Thủ tướng nêu rõ khả năng hoàn toàn kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Đồng thời yêu cầu thực hiện các giải pháp bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước và một số mặt hàng khác…
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải quản lý Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính, “nếu buông lỏng là một sai lầm”, đừng bao giờ nghĩ rằng theo kinh tế thị trường thì buông lỏng quản lý.
“Nếu tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu phải làm tốt hai mặt là tăng trưởng tốt và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo kết luận cuộc họp của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong kết luận này, Thủ tướng lưu ý thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ, bỏ bê, vi phạm quy định, “làm quá chậm để tình hình giá cả quá xấu”.
Qua lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta có thể nói là hoàn toàn kiểm soát được mục tiêu lạm phát năm nay”. Theo Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của Quốc hội, kiểm soát tốc độ giá tiêu dùng dưới 4%.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu hực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4% trong năm 2020.
Người đứng đầu Chính phủ yêuu cầu tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan, theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo, nhất là những mặt hàng quan trọng.
Về mặt hàng gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xuất khẩu có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm.
Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Vấn đề này đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước nhưng đến nay, gần 5 năm chưa xong, Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm vấn đề này.
Các bộ, trước hết là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.
Các Bộ Y tế, GD&ĐT, Công Thương, GTVT, Xây dựng và các cơ quan liên quan có biện pháp cụ thể giảm giá các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng, các loại hàng hoá thiết yếu để vừa góp phần giảm khó khăn đời sống, vừa giảm chi phí sản xuất kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá cả thị trường.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về giảm giá nước sạch theo thẩm quyền.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc quản lý giá cả thị trường, bảo đảm đủ cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, không để găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Về lộ trình tăng lương từ 1/7 và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế (cũng từ ngày 1/7), giáo dục (từ tháng 9), Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ GD&ĐT, Y tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động, ảnh hưởng để báo cáo, đề xuất kịp thời cấp thẩm quyền về việc này, với tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, vào thời điểm thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá.