Tại CSIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khéo léo nhắc đến các giá trị tiến bộ, phổ quát được thừa nhận trong Hiến pháp Mỹ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington D.C.
CSIS đảm nhiệm vai trò rất quan trọng đối với đường lối của Nhà trắng, nơi phân tích chiến lược về chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu mà trọng tâm là quan hệ quốc tế, thương mại, tài chính, công nghệ, năng lượng và địa chiến lược.
Chọn ghé thăm CSIS đã là một động thái rất tinh tế của Thủ tướng Việt Nam, để giới nghiên cứu chiến lược hàng đầu ở Mỹ hiểu rõ quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế cũng như khu vực đang xảy ra.
Thoạt đầu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khéo léo nhắc đến bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kế thừa có chọn lọc những giá trị phổ quát được Thomas Jefferson thừa nhận trong tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Mỹ.
Đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Việt Nam trung thành tuyệt đối với các giá trị độc lập, tự do và hạnh phúc, cũng như khát vọng của tổ tiên người Mỹ mà thôi. Việt Nam đến Mỹ không phải để chọn phe mà là tìm kiếm chính nghĩa.
Chính nghĩa ở đây là công bằng, công lý và lẽ phải dựa trên luật pháp quốc tế, như UNCLOS 1982 đối với chủ quyền biển đảo; 7 nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ của Luật quốc tế.
Cụ thể: Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý; Mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ; Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các quốc gia khác; Sự toàn vẹn lãnh thổ và tính độc lập về chính trị là bất di bất dịch.
Hoặc, khoản 3, điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc: “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý”,…
Gần 30 năm quan hệ Việt – Mỹ không ngừng phát triển, mang lại không ít giá trị vật chất cũng như khẳng định tinh thần quốc tế trong sáng. Hai bên đã vượt qua rào cản khác biệt, giải quyết tốt mâu thuẫn cơ bản, không ngừng điều chỉnh để phù hợp với tình hình chung.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam thiết kế riêng biệt “một chính sách, một Hoa Kỳ”. Hà Nội hiện có quan hệ với 197 quốc gia, vùng lãnh thổ đều được thiết lập trên nguyên tắc như vậy.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nghị luận ở CSIS: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”.
Trong bối cảnh tình hình diễn tiến hết sức phức tạp, rạn vỡ quan hệ giữa các nước lớn, dịch chuyển vùng trọng tâm cạnh tranh chiến lược về châu Á – Thái Bình Dương, lựa chọn của Việt Nam là phù hợp với quy luật vận động của lịch sử.
Bởi vì, thiên tính của loài người luôn mưu cầu 3 giá trị cơ bản “độc lập – tự do – hạnh phúc”, thế nhưng, loài người vẫn phải chung sống cùng nhau trong không gian đầy rẫy khác biệt về quan điểm chính trị, an ninh, kinh tế, đạo đức, tôn giáo, nhân quyền,…
Mâu thuẫn và bục phát mâu thuẫn thành những cuộc chiến tranh, xung đột là tất yếu, điều đó đang xảy ra ở Trung Đông, Đông Âu – có nguy cơ làm đổ môi trường vỡ hòa bình; gây chia rẽ, phân cực ngày một sâu sắc. Lấy xung khắc đối đáp với xung khắc không khác gì thêm dầu vào lửa; lấy chiến tranh chế ngự chiến tranh chỉ là hạ sách cuối cùng.
Mỹ xuất hiện mạnh mẽ ở Đông Nam Á sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc quan hệ ngoại giao tại khu vực. Và Việt Nam đã phát tín hiệu rõ ràng, là cơ sở để xử trí khi cuộc cạnh tranh “địa chính trị” trở nên quyết liệt trong nay mai.
Trương Khắc Trà