Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN có chủ đề trọng tâm là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để Chính phủ ban hành, làm sao tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả của DNNN.

ttgchutrihoinghidoanhnghiepnhanuoc2-16480940736131346413481

Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DNNN.

Chính phủ thấu hiểu

Trăn trở về những mong muốn với DNNN, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Sứ mệnh của DNNN được Đảng ta xác định rất rõ ràng. Nhưng trăn trở là làm sao để DNNN thực hiện được sứ mệnh này?

Theo đó Thủ tướng nhận định, Nhà nước phải tạo ra môi trường, không gian, hệ sinh thái cho doanh nghiệp đúng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh và thực tiễn của Việt Nam qua các thời kỳ. Thủ tướng cho rằng tư duy phải linh hoạt, thay vì cứ tập trung cho quản lý chặt chẽ phải đổi mới thúc đẩy phát triển.

“Chúng ta không thoả mãn với những gì đạt được bởi thế giới vận động phát triển. Do đó, nhà nước phải tạo ra hệ sinh thái này từ tư duy đó bằng sự thấu hiểu, quan tâm, chia sẻ, trân trọng, nâng niu nhưng phải cương quyết và nhất quán, rạch ròi. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vận động tích cực, tham gia vào phát triển kinh tế đất nước”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Quan hệ của nhà nước và doanh nghiệp tách bạch mà lại hoà quyện. Nhà nước tạo không gian, môi trường tạo ra động lực cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp thì nhân rộng hệ sinh thái đó, đóng góp tốt hơn. “Đây là mối quan hệ bổ sung cho nhau cùng cho mục tiêu phát triển”, Thủ tướng nói.

Đánh giá về doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá, qua 30 năm đổi mới, doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào sự bảo vệ, phát triển đất nước dù có lúc thăng trầm và đột phá, trong đó có DNNN.

daibieu-16480945730021936017394-1

Thủ tướng đánh giá, qua 30 năm đổi mới, doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào sự bảo vệ, phát triển đất nước dù có lúc thăng trầm và đột phá, trong đó có DNNN.

Thủ tướng cho biết, năm 2021, đất nước gặp khó khăn vì đại dịch, DNNN đóng góp ngân sách chiếm 25%, DNNN còn làm sứ mệnh của mình ở các lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, FDI không làm hoặc triển khai khó khăn.

DNNN cũng chiếm tỷ trọng lao động lớn. Thực hiện các công việc Đảng và Nhà nước giao. Tổng vốn huy động của DNNN chiếm hơn 12%.

“Chúng ta phải khẳng định những điểm đã được, nhưng trăn trở vẫn còn nhiều điểm chưa đạt được tương xứng với nguồn lực sẵn có, có thể lớn mạnh hơn nữa nhưng chưa lớn mạnh. 5 năm vừa qua không có công trình lớn nào do DNNN đầu tư, đây là trăn trở rất sâu sắc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới khoa học cũng là điểm yếu. Nguồn lực đầu tư giảm dần.

“Các ý kiến nhắc nhiều tới thể chế và cơ chế chính sách còn bất cập. Nhận thức đánh giá của cơ quan nhà nước về DNNN còn hạn chế, chưa liên tục. Vấn đề về quản lý nhà nước, cán bộ, chính sách, các vấn đề tạo điều kiện pháp lý và môi trường hoạt động cho doanh nghiệp”, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ. Đồng thời cho biết Đảng và Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn này với doanh nghiệp.

“Xông pha” khó khăn

Từ những thực tế này, Người đứng đầu Chính phủ định hướng, sắp tới khó khăn thách thức nhiều hơn là thuận lợi, do đó cần xác định tinh thần này, đoàn kết vượt qua thách thức. DNNN đóng vai trò chủ đạo trong những thời điểm này, khó khăn thách thức này DNNN cũng phải gánh vác. “Nói vậy để thấy khó khăn thách thức này phải cùng nhau vượt qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

ttgphatbieu-1648094238952734345028

DNNN còn làm sứ mệnh của mình ở các lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, FDI không làm.

Muốn vậy, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo vĩ mô, ổn định an toàn xã hội. DNNN phải góp phần đắc lực hiệu quả về xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đảm bảo các cân đối lớn một cách nhạy bén linh hoạt. Các DNNN phải góp phần vào quá trình này, không phải sản xuất manh mún, chia cắt nữa mà phải bài bản ổn định.

DNNN phải đóng vai trò tiên phong dẫn dắt trong đổi mới KHCN. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức trong kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động năm sau cao hơn năm trước.

“Những gì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa làm hoặc còn khó khăn thì DNNN phải “xông pha””, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng thời đặt mục tiêu kế thừa phát huy những kết quả đã đạt được, tạo được đột phá phát triển nhanh nhưng bền vững những năm tới đây. Tạo cạnh tranh tốt hơn. Đóng góp tốt hơn cho ngân sách nhà nước mục tiêu tăng 30%.

Xây dựng hệ sinh thái phát triển

Thủ tướng đồng tình với 8 giải pháp được Bộ KH&ĐT đưa ra. Đồng thời nhấn mạnh phải chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanhh nghiệp. “Một môi trường cho doanh nghiệp phát triển phải lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, hiệu quả và không tham nhũng, phù hợp nền kinh tế thị trường”, Thủ tướng khẳng định.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của DNNN trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Từ đó có quyết tâm cao hơn, để doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh của mình.

Thứ ba, tập trung tháo gỡ thể chế cơ chế chính sách theo chuẩn mực quốc tế. Tăng cường phân cấp phân quyền mạnh mẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ, chủ động của doanh nghiệp.

“Hiện nay còn nhiều điều chưa tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc gì cũng dồn lên trung ương nên chưa được giải quyết. Chúng ta tăng cường phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ tư, Chính phủ, bộ ngành địa phương phải có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ thực hiện có tính toán tới nguồn lực của doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo mạnh dạn nhanh chóng thực hiện các dự án trọng điểm như dự án cao tốc, cảng biển, nhà máy…thời gian tới.

Thứ năm, giao DNNN đầu tư hạ tầng gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số…nhưng lưu ý không đầu tư dàn trải ra ngoài lĩnh vực của mình. Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi tư duy không bó hẹp mà phải linh hoạt năng động.

Thứ sáu, vấn đề cán bộ, nguồn nhân lực, cơ cấu bộ máy cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu mỗi DNNN chọn lọc con người thế nào cho phù hợp điều kiện phát huy tối đa nguồn lực sẵn có.

Thủ tướng cho biết, chúng ta đã có thời gian thí điểm thuê giám đốc nước ngoài, phải năng động, sáng tạo, từng bước hoàn thiện phù hợp với doanh nghiệp. Đánh giá cán bộ làm doanh nghiệp phải tổng thể.

Thứ bảy, coi trọng công tác giám sát kiểm tra phòng chống tham nhũng tiêu cực trong doanh nghiệp. Cơ bản các cơ chế đã có, phải thực hiện cho đúng.

Thứ tám, xây dựng thương hiệu và công tác truyền thông. “Cũng một chiếu áo đó nhưng thương hiệu Nike khác, May 10 khác. Dù chúng ta gia công nhưng nguyên liệu thiết kế và thương hiệu của họ. Do đó, chúng ta phải xây dựng thương hiệu”, Thủ tướng yêu cầu.

Thứ chín, tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng nhiều năm. Thủ tướng yêu cầu “làm sạch” để bước vào thời kỳ mới.

Thy Hằng