Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang kịp thời giải ngân vốn ngân sách nhà nước còn lại cho dự án này để kịp tiến độ và thông tuyến trong năm nay.

Khẩn trương giải ngân vốn…

Với mục tiêu đưa dự án thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm tháo gỡ các vướng mắc do việc ngăn mặn, làm ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng; có giải pháp ưu tiên đảm bảo nguồn vật liệu để phục vụ thi công dự án. Về phía chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang kịp thời giải ngân vốn ngân sách nhà nước còn lại cho dự án này để kịp tiến độ và thông tuyến trong năm nay

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập và triển khai phương án thu phí tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9311/VPCP-CN ngày 11/10/2019 để khắc phục tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến đường này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và áp dụng hình thức chỉ định thầu theo đúng chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

… để đảm bảo thông tuyến

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, đảm bảo tiến độ thông tuyến đồng bộ với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, phát huy hiệu quả đầu tư.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Tươi – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, cho biết: Nhằm tạo thuận lợi cho việc thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào phục vụ, phát triển kinh tế – xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Tiền Giang đang tích cực giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp dự án.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, địa phương đã bàn giao được 50,77 km trong tổng chiều dài toàn tuyến là 51,1 km, đạt 99,34%. Hiện chỉ còn lại 330 m đường ở hai địa phương là huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy chưa được bàn giao.

Về tổng số hộ bị ảnh hưởng của dự án phải đền bù, giải tỏa và di dời là 3.292 hộ ở các huyện Tân Phước, Châu Thành, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè. Đến nay, qua tuyên truyền, vận động đã có 3.096 hộ đồng ý nhận tiền đền bù, giải tỏa và di dời. Hiện chỉ còn 196 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ.

Tính đến thời điểm hiện nay, Tiền Giang đã bàn giao được 50,77 km trong tổng chiều dài toàn tuyến là 51,1 km, đạt 99,34%. Hiện chỉ còn lại 330 m đường ở hai địa phương là huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy chưa được bàn giao.

Tương tự, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, cho biết: UBND tỉnh Tiền Giang đang chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động hộ dân nhận tiền đền bù và giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao đất sạch phục vụ thi công, đưa công trình vào sử dụng theo đúng cam kết.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51,1 km qua địa bàn tỉnh Tiền Giang với tổng mức đầu tư 9.669 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiểu dự án giải phóng mặt bằng là 1.689 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án cùng các đơn vị liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công trình, phấn đấu thông tuyến vào năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ.