Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về việc tiếp tục cách ly xã hội đối với 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 ít nhất đến ngày 22/4, trong đó có Hà Nội và TP HCM.
Chiều 15/4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM và Hà Nội.
Danh sách phân loại không phải bất biến
“Tùy tình hình từng địa phương, 12 tỉnh thành thuộc nhóm có nguy cơ cao cần tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 đến ngày 22/4, có thể là 30/4, tùy tình hình cụ thể”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định danh sách phân loại 3 nhóm nguy cơ của của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 không phải là bất biến. Cuộc họp tới, Chính phủ sẽ xem xét đánh giá và điều chỉnh phù hợp tùy theo diễn biến dịch bệnh. Thủ tướng cũng chỉ đạo tất cả địa phương cần tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ không cần thiết.
Nhận định chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của ngành kinh tế ở mức nhất định, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành cần chuẩn bị kế hoạch để khởi động lại nền kinh tế ngay khi chống dịch thành công.
“Chúng ta giảm thiểu tác động của dịch chứ không thể không bị tác động. Ban chỉ đạo cần từng bước giảm dần giãn cách xã hội thận trọng, đồng bộ với những bước đi phù hợp hoàn cảnh cụ thể từng địa phương, linh hoạt nhưng phải kiểm soát chặt chẽ để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, đời sống của nhiều tầng lớp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Như phóng viên đã đưa tin, sáng 15/4, Báo cáo về Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã thống nhất kiến nghị với Chính phủ thực hiện “cách ly xã hội” theo 3 nhóm địa phương.
Theo đó, đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao, Ban Chỉ đạo kiến nghị tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly xã hội như quy định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần.
Những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ…Vậy cụ thể những nhóm địa phương được phân chia như thế nào? Điểm khác biệt về thực hiện “cách ly xã hội” của các nhóm này ra sao?
Theo đó, có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm “nguy cơ cao”, “nguy cơ vừa”, “nguy cơ thấp”, đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.
Cụ thể, nhóm có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành, tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” thêm ít nhất 1 tuần gồm Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
Với nhóm này, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4/2020.
Sẽ tiến hành hạn chế ra khỏi nhà; cấm tập trung đông người; đóng cửa (với hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội, lễ nghi tôn giáo đông người, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, trường học); hạn chế giao thông (hàng không, xe khách, taxi, kể cả taxi công nghệ), áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, sát khuẩn rửa tay xà phòng); dừng hoạt động doanh nghiệp/nhà máy/xí nghiệp, kinh doanh cá nhân là “bắt buộc”.
Với nhóm có nguy cơ trung bình gồm 15 tỉnh, thành là: Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước.
Nhóm nguy cơ trung bình sẽ thực hiện các quy định nới lỏng hơn ở mức “yêu cầu thực hiện” biện pháp như: đóng cửa cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; hàng không, xe khách, taxi; dừng hoạt động doanh nghiệp/nhà máy/xí nghiệp, kinh doanh cá nhân.
36 tỉnh thành còn lại được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp. Với các tỉnh thành “nguy cơ thấp”, mức “nới lỏng” tăng thêm ở chỗ, một số biện pháp như đóng cửa cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; hàng không; dừng hoạt động doanh nghiệp/nhà máy/xí nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, kinh doanh cá nhân chỉ ở mức “khuyến cáo thực hiện”.
Vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch
Đặc biệt, các địa phương thuộc nhóm 2, nhóm 3 cần có các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải có quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu chống dịch.
Ngoài ra, các tỉnh thành này vẫn phải thực hiện các biện pháp bắt buộc gồm: Hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 mét; Cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); Cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
Việt Nam hiện đã ghi nhận 267 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Như vậy trong vòng 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4, Việt Nam đã ghi nhận thêm 60 ca mắc mới, giảm hơn 2,6 lần so với nửa tháng trước đó (là 154 ca).
Đặc biệt những ngày gần đây, Việt Nam liên tục nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh trong đầu giờ sáng, số ca mắc trong ngày cũng giảm rõ rệt, có ngày chỉ ghi nhận 1 ca mới mắc dịch.
Trong khi dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện trong nửa tháng qua tại Việt Nam đã thể hiện là giải pháp đúng đắn, quan trọng giúp dịch không lây lan mạnh trong cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế khẳng định, dù việc giãn cách xã hội có thay đổi ra sao ở các địa phương thì các biện pháp phòng chống dịch cơ bản vẫn không thay đổi và cần duy trì để tránh dịch lây lan như: Không tụ tập đám đông, đeo khẩu trang, đảm bảo giữ khoảng cách 2 mét khi tiếp xúc, vệ sinh, khử khuẩn… Những biện pháp cơ bản này là quan trọng nhất, người dân cần thực hiện tốt mới đảm bảo việc phòng dịch.
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch vẫn phải triệt để thực hiện, vì thời gian tới, dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, thậm chí kéo dài.