Cập nhật lúc 7h00 ngày 12/3, thế giới ghi nhận 125.544 người mắc, 4.601 người tử vong, trong đó, Lục địa Trung Quốc ghi nhận 3.158 người tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Sáng ngày 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Làm việc với các lãnh đạo một số bộ, ngành và một số tập đoàn lớn trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, lương thực, thực phẩm, công nghiệp…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các ý kiến hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.

Chuẩn bị tâm thế vươn lên

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch. Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, thì lúc này các doanh nghiệp, tập đoàn là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng chống dịch.

Nhiều doanh nghiệp, với hàng ngàn lao động, cần có biện pháp chống dịch ở đơn vị mình và cho cả công nhân của mình. Đó chính là góp phần vào nỗ lực chống dịch của cả nước. “Chúng ta cần lưu ý vấn đề này chứ không phải chúng ta lại quên vấn đề chống dịch đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân hay tất cả doanh nghiệp của Việt Nam”, Thủ tướng cho rằng, có nhiều tập đoàn đã làm tốt công tác này như ứng dụng công nghệ 4.0, giảm họp hành, quan tâm đến đời sống người lao động.

Cho biết sẽ lắng nghe các ý kiến, hiến kế quyết sách cho kinh tế tư nhân, động lực quan trọng đối với nền kinh tế, Thủ tướng khẳng định Chính phủ tạo môi trường đầu tư tốt hơn để phát triển, bao gồm cả việc tạo thị trường mới, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, để chính sách của Chính phủ sát với thực tiễn hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, chúng ta có đầy đủ bệnh viện dã chiến, các phương tiện, thiết bị cần thiết để chữa trị cho người dân, cho người cách ly. “Tôi đã tuyên bố bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá. Quý vị cũng phải đóng góp cho vấn đề này”, Thủ tướng cho biết, ông vừa điện cho lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tập trung cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19, không để có người tử vong.

Bên cạnh đó, chúng ta có chế độ cho người cách ly y tế, “bộ đội nhường doanh trại, đi mua tivi cho mọi người xem, hàng ngày mang cơm tới, không quá sung túc nhưng không để thiếu thốn”.

Thủ tướng cho biết, đã nhận được được một số thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh, do đó, chúng ta phải đón bắt thời cơ này, “như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”. Một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ khi chúng ta đã qua đại dịch.

7 giải pháp cấp bách thực hiện “mục tiêu kép” 

“Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế-xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển”, Thủ tướng nói. Đồng thời cho biết qua cuộc gặp này, Chính phủ muốn chuyển tình cảm, chia sẻ, trăn trở cùng doanh nghiệp để chúng ta cùng tiến bước trong giai đoạn kết.

Trên thực tế, mục tiêu kép nói trên đã được Người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nền kinh tế nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Vì thế cần những giải pháp bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2020 có ý nghĩa quan trọng này.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, trong đó đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Cụ thể, giải pháp một, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

Giải pháp hai, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.

Giải pháp ba, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu.

Giải pháp bốn, khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không.

Giải pháp năm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.

Giải pháp sáu, tập trung xử lý vướng mắc về lao động.

Giải pháp bảy, đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Trong một khảo sát về ảnh hưởng của dịch COVID-10 đến hoạt động sản xuất kinh doanh do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng) thực hiện trên 1.200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ cho thấy, dịch COVID-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%. Chỉ 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh.