“Thách thức lớn nhất không phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi sự tụt hậu về kinh tế, mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo một số vấn đề trước khi trực tiếp trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại nhiều kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2020.
Việt Nam là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất
Theo người đứng đầu Chính phủ, không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối đầu với những thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. “Việt Nam được coi là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất, kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng nhắc lại bài học, sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đối phó dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà APEC, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…
Thủ tướng cho rằng cần trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên, tạo nhiều việc làm mới thông qua đầu tư tư nhân, có cơ chế thu hút nhân tài.
Trong hơn 4 năm qua, chúng ta đã tạo hơn 8 triệu việc làm mới cho người lao động, năng suất lao động được cải thiện rõ nét, tăng 5,8%/năm – cao hơn nhiều mức 4,3% giai đoạn trước.
“Nhiệm kỳ qua, thu nhập đầu người bình quân của Việt Nam tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, thu nhập người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD”, Thủ tướng thông tin.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, người đứng đầu Chính phủ thông tin tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con hổ châu Á” cộng lại. Đến năm 2045, chiếm trên 50% dân số – tức tương đương dân số của Hàn Quốc. Với kết quả tỷ lệ hộ nghèo bền vững giảm, Thủ tướng nêu quyết tâm sẽ không ngừng nghỉ để giảm nghèo.
Thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động
Trước nhưng băn khoăn về đề ra mức tăng trưởng còn thấp, Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.
Thủ tướng nhắc tới những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, trong đó có những nạn nhân là những cháu nhỏ chưa kịp học xong bài học trên lớp… Thủ tướng bày tỏ trăn trở vì vẫn còn những trẻ em phải đu dây vượt sông tới trường, chèo thuyền đi học… “Chính phủ và tất cả chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ chỉ đạo xây dựng các kịch bản, phương án để chủ động thực hiện chiến lược, hoàn thành mục tiêu tốt nhất. “Thách thức lớn nhất không phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi sự tụt hậu về kinh tế, mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng đề ra 2030 nước ta thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 thành nước phát triển có thu nhập cao. Thủ tướng nhắc đến xu thế hiện nay là cần kiên trì biện pháp nhằm củng cố niềm tin của nhân dân và sự lạc quan, tin tưởng của các nhà đầu tư; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, loại trừ xung đột chồng chéo, ưu tiên đầu tư triển khai nhanh kết cấu hạ tầng chiến lược về cả số lượng, chất lượng và đồng bộ.
Thy Hằng