Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng (Thanh Hóa) chia sẻ, lĩnh vực hoàn thuế VAT đối với ngành dăm gỗ tại Thanh Hóa cũng “gặp khó” giống như nhiều địa phương trên cả nước.

nganh-go-1644465241240155264675-1

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang tồn hàng trăm tỷ tiền hoàn thuế VAT.

Theo đó, hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 429/TCT- TTKT, Công văn số 2124/TCT-TTKT, Công văn số 2928/TCT-TTKT và Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27 /10/ 2020…coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Do đó yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ. Dẫn tới Cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa phương đi xác minh tới từng Chủ rừng bao gồm: diện tích rừng trồng có sổ đỏ hay không? diện tích rừng trồng có khớp với lượng gỗ kê khai của chủ lâm sản; Người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực; Có đủ năng lực cung cấp hàng; Gỗ có đủ tuổi để khai thác?”.

Không chỉ riêng việc truy xuất đến F0 mà việc xác minh nguồn gốc gỗ rừng trồng dựa trên sổ đỏ và mới coi đó là gỗ hợp pháp cũng đang có nhiều vấn đề. Bởi theo bà Nguyễn Thị Thanh, từ sổ đỏ, cơ quan thuế quy ra số tấn dăm đầu vào và áp cho doanh nghiệp. Ví dụ 1 ha được 80 tấn dăm gỗ. Nếu số trên sổ đỏ và số doanh nghiệp thu mua vào không khớp nhau thì họ cho rằng đấy là hàng hóa không rõ nguồn gốc. Trong khi, số chủ rừng có được sổ đỏ chỉ đạt khoảng 50 – 55%. Vậy con số diện tích không có sổ đỏ chúng ta sẽ không thể chứng minh được.

“Muốn chứng minh được nguồn gốc thì phải có sổ đỏ, nếu không thì người dân bán ra không có căn cứ để chứng minh. Trong khi quay trở lại yêu cầu địa phương xác nhận, chính quyền địa phương sẽ nói trước đây tôi phải có trách nhiệm xác nhận, theo Thông tư 27 2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôi không phải xác nhận nữa thì tại sao tôi phải xác nhận”, theo đại diện doanh nghiệp ngành dăm chia sẻ.

Đây là câu chuyện được các doanh nghiệp đánh giá là đang chạy lòng vòng giữa Thông tư này, Nghị định này của Bộ này và Thông tư kia, Nghị định kia của Bộ khác và doanh nghiệp là người chịu áp lực, chịu thiệt hại cuối cùng. Dẫn đến doanh nghiệp ở khâu cuối cùng làm thật mua thật bán thật nhưng không được hoàn thuế.

Một vài doanh nghiệp có thể hoàn thuế tháng 2, 3/2022, một số doanh nghiệp hoàn được tháng 5 và 6, nhưng nhiều doanh nghiệp từ tháng 1/2022 đến nay không được hoàn và từ tháng 6 trở lại đây tuyệt đối không một doanh nghiệp nào hoàn được thuế.

Ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan thuế có thể kiểm tra từ hợp đồng xuất khẩu, tiền về có đúng số lượng không, bán đúng địa điểm, nhà máy đó không?. Nhưng họ không chấp nhận phương án này với lý do duy nhất đó là không chứng minh được nguồn gốc đầu vào.

Cơ quan thuế yêu cầu phải xác nhận từ sổ đỏ, không có sổ đỏ thì cần xác nhận của địa phương, không có xác nhận của địa phương thì phải trích xuất camera hành trình của các lô gỗ từ trên rừng đến khâu sơ chế, thương mại. Liệu doanh nghiệp có làm được không? Có phải đưa doanh nghiệp dăm gỗ vào thế “đóng cửa”.

“Hàng hóa được doanh nghiệp mua thực, bán thực nhưng có những lô hàng cơ quan thuế không chấp nhận hoàn thuế, hiện chúng tôi đang tồn hàng trăm tỷ tiền hoàn thuế VAT”, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp ngành dăm chia sẻ đó là khi đi xác minh, cơ quan thuế đang làm thay công việc của cơ quan công an, cơ quan điều tra. Cán bộ thuế hỏi người dân như hỏi cung thì không một hộ trồng rừng nào khẳng định tôi có bán cho doanh nghiệp này, hay bán cho nhà máy kia. “Có 1 thực tế là họ có thể vừa vào đổ hàng cho chúng tôi nhưng khi đi ra ngoài kia các anh hỏi có đổ hàng cho Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng không thì họ bảo là không. Đây là việc cực kỳ ách tắc”, bà Thanh nêu một thực tế.

Tại Hội nghị đối thoại lĩnh vực thuế, hải quan mới đây do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, khoản tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn của các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ lên tới 1.500 tỷ đồng, chưa kể mảng gỗ dán, viên nén. Lý do là cơ quan thuế yêu cầu truy xuất nguồn gốc tới người trồng rừng, với yêu cầu người trồng rừng phải có sổ rừng.

Theo đại diện Hiệp hội, điều kiện này rất khó, vì hiện mới có khoảng 60% có sổ. Hàng hóa thì đã xuất khẩu chính ngạch, đầy đủ giấy tờ, có hóa đơn đầy đủ…

“Số tiền chưa hoàn thuế quá lớn với doanh nghiệp. Khi tôi đang đứng ở đây phát biểu, ở quê nhà, có tới gần một nửa doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hàng triệu hộ trồng rừng mong ngóng doanh nghiệp thu mua. Đề nghị cơ quan thuế xem xét cho hoàn trước, kiểm tra sau”, đại diện Hiệp hội đề nghị.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, vừa qua hiệp hội này cũng đã phải gửi công văn khẩn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng, nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng được hoàn thuế giá trị gia tăng tránh thiệt hại do tiền thuế được hoàn trả quá chậm chạp.

image237

Yêu cầu về thủ tục hoàn thuế khó thực hiện với các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhiều nguồn rừng trồng.

“Tính sơ bộ từ thành viên hiệp hội, nhiều doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn thuế. Trong đó, đa số các doanh nghiệp bị nợ hoàn thuế từ 40-50 tỷ đồng, có những doanh nghiệp lớn số thuế chưa được hoàn đúng hạn lên tới 150-200 tỷ đồng”, ông Lập thông tin.

Ông Đỗ Xuân Lập cũng khẳng định, vướng mắc hoàn thuế nằm ở chỗ quy trình xác nhận nguồn gốc sản phẩm tới tận chủ rừng quá cứng nhắc. “Điều này rõ ràng là rất khó thực hiện với các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhiều nguồn rừng trồng. Đồng thời, Thông tư 27/2018 về truy xuất nguồn gốc nông – lâm sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không bắt buộc chặt chẽ đến vậy”, ông Lập cho biết.

Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoàn thuế giá trị gia tăng, theo Viforest, Bộ Tài chính cần gấp rút rà soát lại danh mục các sản phẩm có rủi ro về hoàn thuế giá trị gia tăng, từ đó loại ra các mặt hàng, sản phẩm hoặc các trường hợp đã có quy định không cần kiểm tra tận gốc.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại các văn bản hướng dẫn triển khai tại các cục thuế, cơ quan thuế địa phương để thống nhất cách thức triển khai quy trình kiểm tra; rà soát hồ sơ hoàn thuế; đồng thời đảm bảo các văn bản hướng dẫn thực thi giữa các bộ, ngành có nội hàm, đối tượng thống nhất, tránh tối đa tình trạng công văn của bộ này thì cho phép nhưng bộ khác không cho phép dẫn tới tình trạng chuyển qua chuyển lại giữa các cơ quan chức năng trong quá trình xác minh hồ sơ thuế, kéo dài thời gian hoàn thuế, gây khó về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Thy Hằng