Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngay từ khi xuất hiện bệnh dịch, giới chuyên môn và Bộ Y tế đã nhận định đây là căn bệnh dễ lây và khó phòng.

Tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm dịch nCoV thứ 10.

Bệnh lây qua 3 đường là qua không khí, qua tiếp xúc với người bệnh và lây qua bề mặt. “Theo nhận định chung của các nhà khoa học, dịch có thể đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới”, ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, ngày 3/2 có 194 người nhập cảnh vào Việt Nam nhưng đều là người Việt chứ không có người Trung Quốc. Về xuất cảnh, có hơn 1.000 trường hợp và đều là người Trung Quốc.

“Cho nên ta tạm yên tâm là toàn bộ đường biên vẫn ngăn chặn triệt để, không có chuyện người Trung Quốc vào Việt Nam”, ông Long khẳng định.

Ngoài ra, tất cả trường hợp vào Việt Nam, đều bị cách ly 14 ngày và được đảm bảo đủ điều kiện. “Phải coi mỗi người như vậy có nguy cơ là một ổ dịch và triển khai cách ly ngay, để lây ra rất khó phòng”, ông Long nói.

Để chuẩn bị cho diễn biến của dịch, ngành y tế Việt Nam đã có phương án trong trường hợp có 1.000 người nhiễm virus corona, thực tế có thể đáp ứng tới 3.000 ca.

Dù các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự báo và đánh giá về sự bùng phát của chủng virus mới 2019-nCoV, nhưng chưa ai dám chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. “Sẽ không có nhà khoa học nào có thể nói chính xác thời điểm dịch bệnh sẽ lên đến đỉnh điểm”, tạp chí Time dẫn lời ông Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về chủng virus mới này. Virus 2019-nCoV, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cùng họ hàng loại virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet đánh giá 41 trường hợp đầu tiên nhiễm virus 2019-nCoV cho thấy chủng virus gây các triệu chứng tương tự như SARS. Điểm khác biệt được chú ý là tỉ lệ tử vong của dịch virus corona vào khoảng 2-3%. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở dịch SARS năm 2003 là gần 10% và MERS lên đến 34,5%.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học David Fisman của Đại học Toronto (Canada) nhận định rằng các số liệu ban đầu chưa thể phản ánh chính xác mức độ nguy hiểm của chủng virus mới khi mà dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn.

Nhiều khả năng số người bị nhiễm bệnh thực sự cao hơn so với các số liệu được công bố. Trong trường hợp chỉ 2/3 số người bị nhiễm bệnh được ghi nhận, tỉ lệ tử vong có thể giảm xuống còn 1%, theo ông Fisman.

3 vòng kiểm soát trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam

Vòng 1: Tất cả người bệnh, nghi nhiễm bệnh, người đi và đến từ Hồ Bắc đều được coi là người bệnh, phải cách ly tuyệt đối tại bệnh viện.

Vòng 2: Cách ly các trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc từ Trung Quốc về, cách ly tại chỗ 14 ngày, không cho họ đi quá phạm vi gia đình.

Vòng 3: Những người tiếp xúc xung quanh với người nhiễm.