Chuyển tới nội dung

Thu tiền tỷ từ nghề mộc truyền thống

Thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Cũng như nhiều người thợ địa phương, anh Kiều Văn Hậu đã vượt mọi khó khăn để quyết tâm bám nghề, giữ nghề từ đời cha, đời ông để lại. Đến nay, cơ sở mộc của gia đình anh đạt doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

San-pham-nghe-moc-cua-thi-tran-Thanh-Lang-ngay-cang-da-dang-dap-ung-nhu-cau-thi-truong-1536x1024

Xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông Hậu tạo việc làm cho trên 10 lao động.

Đắm đuối với nghề

Thị trấn Thanh Lãng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vẫn giữ được nghề mộc truyền thống. Người thợ Thanh Lãng giữ nghề và phát triển theo phương thức cha truyền con nối. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề chủ yếu là: Lâm đình, chùa, kiệu, án gian, long đình, thiều châu Trưng Nhĩ, đại tự, cuốn thư, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, gia công nội thất. Thị trấn Thanh Lãng có gần 2.000 hộ làm nghề với hơn 6.000 lao động. Giá trị sản phẩm kinh doanh từ nghề mộc truyền thống chiếm gần 60% tổng sản phẩm ở địa phương.

Anh Hậu kể: Từ nhỏ sinh ra đã thấy gỗ, thấy bào, thấy cưa, sống chung với bụi gỗ, mùn cưa, đến khi trưởng thành, cuộc sống xung quanh vẫn lại là cưa, là gỗ. Sau khi rời ghế nhà trường, tôi đã theo học nghề truyền thống của quê hương từ cha ông tôi. Tôi luôn luôn cố gắng học hỏi, tạo cho mình có được tay nghề vững để sau này lo cuộc sống gia đình. Khi có được tay nghề vững cũng là lúc cha già mẹ yếu, tôi quyết tâm bươn chải trên thương trường, từ những kinh nghiệm của cuộc sống mỗi năm tôi mua về vài nghìn mét khối gỗ các loại từ nguồn nhập khẩu, ngoài việc bán ra cho thị trường tôi còn chế biến, sản xuất thành phẩm dân dụng, hàng năm tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động trở lên với mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, gia đình anh Hậu đã có xưởng, đầu tư trang bị máy móc hiện đại để phát triển sản xuất. Là người đam mê với nghề, anh luôn tìm tòi, học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động, anh còn hỗ trợ, đào tạo nghề cho lớp trẻ hàng năm có từ 5-7 cháu ra nghề tự kiếm việc làm.

Kinh tế gia đình ổn định, thu nhập tăng cao theo từng năm, cụ thể: Năm 2015 doanh thu 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng; năm 2016 doanh thu 3,08 tỷ đồng, lợi nhuận 470 triệu đồng; năm 2017 doanh thu 3,3 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng; năm 2018 doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 550 triệu đồng; năm 2019 doanh thu 4 tỷ đồng, lợi nhuận 620 triệu đồng.

Nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành, của Hội ND mà gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong thị trấn. Đến nay kinh tế gia đình đã ổn định, có vốn để đầu tư vào sản xuất và tiếp tục mở rộng quy mô. Hiện vợ chồng anh đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, hiện đại cùng với việc chăm sóc con cái ăn học đàng hoàng. “Kết quả lao động sản xuất đã đem lại cho gia đình tôi có kinh tế ổn định và đó cũng là điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; giải quyết được lao động nông thôn có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định” anh Hậu tự hào cho biết.

Nhieu-co-so-san-xuat-do-moc-cua-thi-tran-Thanh-Lang-da-duoc-dau-tu-may-moc-hien-dai-1536x865

Nhiều cơ sở sản xuất gỗ của thị trấn Thanh Lãng đã được đầu tư máy móc hiện đại.

Trách nhiệm với cộng đồng

Không chỉ giỏi nghề, anh Hậu cũng là một hội viên nông dân gương mẫu. Đối với người làm nghề, nếu gặp khó khăn luôn được anh chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh đồ gỗ về giá cả vật tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật, thị hiếu của người tiêu dùng, về mẫu mã sản phẩm. Để không ảnh hưởng đến mọi người, anh luôn nhắc nhở mọi người có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường làng nghề. Gia đình anh đã tiên phong trong sử dụng lò hút bụi sơn nhằm giảm bụi gỗ, bụi sơn. Gặp những hoàn cảnh khó khăn, anh sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ nên được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng.

Ngoài việc sản xuất kinh doanh, với trách nhiệm là một hội viên Hội Nông dân (ND), anh Hậu luôn gương mẫu, vận động gia đình tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội ND phát động như: ủng hộ phòng, chống dịch covid-19; ủng hộ các cuộc vận động (Quỹ ngày vì người nghèo, ủng hộ thiên tai, bão lụt, Quỹ đến ơn đáp nghĩa); tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như xây dựng nông thôn mới, phong trào cải tạo công rãnh thoát nước…

Gia đình anh luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực tham gia các họat động phong trào địa phương, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình khó khăn trong tổ dân phố.. Nhiều năm liền gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa.

Với ý chí không ngại vượt khó để vươn lên, anh Hậu đã tự tìm tòi phương thức sản xuất phù hợp, đúng hướng để từng bước phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Nhiều năm liền dạt danh hiệu “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, năm 2020 anh Hậu vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V của Trung ương Hội ND Việt Nam.

“Nghề mộc cần sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo. Trước đây, khi chưa có các loại máy móc đưa vào sản xuất thì đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn tinh tế rất quan trọng để có thể gắn bó lâu dài được với nghề. Đến nay, nghề mộc phát triển vượt bậc với các sản phẩm phong phú và nhiều loại máy móc hỗ trợ sản xuất, đã góp phần đẩy nhanh tốc độ, số lượng và chất lượng các sản phẩm nên người làm nghề đỡ vất vả hơn” – anh Kiều Văn Hậu.

 

Bình Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved