Chiều 18/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội sau đó.

Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 18/6.

Theo Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) lần này, có đề xuất đáng chú ý là thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì cào bằng thu phí theo nhân khẩu hiện nay.

Trao đổi về nội dung này, ông Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) nhận định, hình thức thu phí theo nhân khẩu cào bằng, điều này đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Theo đó, chuyên gia phân tích, với suy nghĩ đóng tiền phí rác như nhau, thì nhiều người vẫn vô tư xả rác, phó mặc cho đơn vị vệ sinh môi trường xử lý. Thực tế, có không ít người dân đã có ý thức trong việc hạn chế xả rác ra môi trường, trong khi nhiều người lại không hề có ý thức này. “Để người xả rác nhiều lại nộp tiền bằng người xả rác ít là bất hợp lý”, ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Hơn nữa, chuyên gia còn chỉ ra, các địa phương đang chịu gánh nặng chi phí thu gom, xử lý rác thải, vận hành hoạt động, trong đó chủ yếu là các công ty công ích phụ thuộc nguồn ngân sách, không thể “bao cấp” mãi được… Họ cần có nguồn thu hợp lý, hợp lệ để vận hành bộ máy, xử lý rác thải nhanh chóng, hiệu quả hơn.

“Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách thức thu phí xử lý rác thải và đề xuất cơ chế thu phí tính theo khối lượng rác là hợp lý. Mức phí rác thải có thể được thu trực tiếp từng hộ dân, hoặc thông qua việc tính vào giá thành sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng…”, ông Hiếu nhận định.

Trước băn khoăn về tình trạng áp dụng hình thức mới này sẽ gặp phải phản ứng khi người dân lo ngại tăng phí, chuyên gia cho rằng, chính sách thu phí rác thải phải được nghiên cứu, đề xuất mức thu phí phù hợp với thực tiễn của người dân, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cũng không thể cào bằng mức thu phí ở khu vực thành phố với khu vực nông thôn, miền núi.

“Dự thảo Luật cần tính toán, đưa ra các khung phí thu hợp lý, tính tới các trường hợp đặc thù, cũng có thể miễn giảm cho một số nhóm đối tượng đặc biệt”, ông Hiếu nói.

Trước đó, cho ý kiến về nội dung này của Dự luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo thể hiện một quan điểm rất rõ ràng là áp dụng đẩy đủ nguyên tắc: người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền; người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải chi trả phù hợp với kinh tế thị trường. Huy động nguồn lực tổng thể toàn xã hội cho công tác bảo vệ môi trường.

“Đây là một quan điểm rất tốt để tất cả mọi người đều có ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường”, Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Cùng với đó, trong dự thảo đang quy định các hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị phải phân loại, lưu giữ chất thải sau khi phân loại trong các bao bì, thiết bị chứa không gây ô nhiễm. Đại biểu cho rằng, đây là điểm quy định tốt sẽ góp phần để đảm bảo môi trường nông thôn, dân cư rất tốt.

“Tuy nhiên, tôi băn khoăn về lộ trình áp dụng thế nào, làm thế nào để phù hợp với thực tiễn, và tổ chức thu gọn, vận chuyển, cơ chế hỗ trợ cơ sở kinh doanh xử lý chất thải thế nào cho hiệu quả và khuyến khích được tất cả người dân, cộng đồng tham gia. Trong chương này có đề cập đến vấn đề chất thải nguy hại, những chất thải có chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có tính nguy hiểm khác”, Đại biểu đặt vấn đề.

Thy Hằng