Theo tờ The Verge, tại Mỹ, một số trường hợp mắc virus corona đang được truyền thử nghiệm một loại thuốc mới. Kết quả cho thấy sức khỏe bệnh nhân đã dần cải thiện.
Cụ thể, tại bang Washingtion, Mỹ, một bệnh nhân nhiễm virus corona đã được truyền thử nghiệm loại thuốc mới và chỉ sau một ngày, bệnh nhân này đã bắt đầu khỏe hơn. Sau 4 ngày, cơn sốt của bệnh nhân biến mất.
Tuy nhiên, rõ ràng chỉ với một trường hợp thành công thì chưa đủ để chứng minh bất cứ điều gì. Thuốc được các bác sĩ thử nghiệm sử dụng tên là remdesivir, chưa rõ liệu rằng loại thuốc này có thực sự đã giúp bệnh nhân, hay sự cải thiện sức khỏe chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trong cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học đã kết hợp cả thuốc remdesivir và các loại thuốc chống HIV khác khi cho rằng sự kết hợp này có thể giúp bệnh nhân nhiễm virus corona.
Được biết, remdesivir là sản phẩm của công ty dược phẩm Gilead để điều trị bệnh Ebola. Nó có một loại thuốc chống virus và giúp ngăn chặn hoạt động của một loại protein giúp virus corona tạo ra các bản sao của chính chúng.
Các nhóm nghiên cứu đã xác định loại thuốc này là một ứng cử viên tiềm năng để điều trị virus corona bởi kết quả mà nó đạt được sau đợt dịch MERS 2012, SARS 2002 và các loại virus corona khác ở loài dơi.
Gilead cho biết phương thuốc này hiện chưa được cấp phép sử dụng tại bất kỳ đâu trên thế giới, cũng như chưa được xác nhận an toàn hoặc hiệu quả đối với bất cứ trường hợp sử dụng nào. Tuy nhiên, nó đã trải qua thử nghiệm an toàn trong đợt bùng phát Ebola vào năm 2014 và 2015. Đó là lý do tại sao Gilead có thể thử nghiệm nó ở những bệnh nhân bị bệnh ngay lập tức.
Gilead sẽ thử nghiệm nó trong một nhóm 270 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản tại Bắc Kinh – một nhóm sẽ được cho dùng thuốc và một nhóm sẽ được dùng giả dược.
Hiện một cuộc thử nghiệm lâm sàng khác kết hợp hai loại thuốc chống HIV đang được tiến hành tại một bệnh viện Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc khuyến cáo rằng hai loại thuốc, lopinavir và ritonavir nên được dùng cho bệnh nhân virus corona. Tại Thái Lan, các bác sĩ ở Bệnh viện Rajavithi ở thủ đô Bangkok cũng đã kết hợp các loại thuốc kháng HIV lopinavir và ritonavir với thuốc trị cúm oseltamivir liều cao. Tình trạng của một số bệnh nhân nhiễm virus corona được điều trị tại bệnh viện này đã cải thiện nhanh nhờ phương pháp mới.
Trao đổi với Reuters, bác sĩ Kriangsak Atipornwanich, chuyên gia phổi tại Bệnh viện Rajavithi cho biết: “Đây không phải là cách chữa trị, nhưng tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện rất nhiều. So với kết quả dương tính 10 ngày trước đợt chăm sóc của chúng tôi, chỉ sau 48 giờ áp dụng kết hợp thuốc này kết quả xét nghiệm đã âm tính”.
Trước đây, sự kết hợp giữa lopinavir và ritonavir có vẻ hiệu quả ở một số ít bệnh nhân mắc SARS vào năm 2002 – 2003, và ngăn chặn virus MERS trong các nghiên cứu trên động vật.
Tại Việt Nam, các bác sĩ cũng đã chữa khỏi cho 3 bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và được cho xuất viện sau khi điều trị. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp điều trị thống nhất nào được đưa ra. TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện chưa có phác đồ điều trị chính thống cũng như không có loại thuốc kháng virus đặc hiệu. Khuyến cáo chung của các nhà khoa học là điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, điều trị khác nhau ở mỗi nơi dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.
Như vậy, tới nay các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa thể đưa ra một phác đồ điều trị thống nhất và có một loại thuốc đặc trị cho chủng virus corona mới này. Mọi phương pháp điều trị mới dừng ở thử nghiệm trên một vài trường hợp bệnh nhân. Hy vọng, trong thời gian tới, các nhà khoa học trong nước cũng như thế giới sẽ sớm đưa ra một phác đồ điều trị hiệu quả.