2 tháng đầu năm vốn FDI giảm mạnh vì dịch COVID-19.

FDI vào Việt Nam giảm trong 2 tháng đầu năm

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, cho thấy tính đến 20/2/2019, tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 6,47 tỉ USD, bằng 76,4% so với cùng kì năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỉ USD, bằng 95% so với cùng kì năm 2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác có nhiều khả năng bị trì hoãn bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư… Các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này, trong khi các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.

Tính đến 20/2, Việt Nam có 500 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư với tổng vốn đăng kí cấp mới đạt 5 tỉ USD, tăng hơn gấp hai lần so với cùng kì năm 2019.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong 2 tháng đầu năm 2020 có Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đầu đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng kí. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn.

Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng kí lần lượt gần 195 triệu USD và 180 triệu USD.

Nắng đẹp sau mưa?

Trong 2 tháng đầu năm, theo đối tác đầu tư, có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu, Trung Quốc đứng thứ hai và Hàn Quốc đứng thứ ba.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bạc Liêu dẫn đầu, đứng thứ hai là Tây Ninh và đứng thứ ba là TP HCM.

Nhìn nhận về dòng vốn đầu tư nước ngoài, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi lợi thế về vị trí địa lý, lao động dồi dào…

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vẫn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể dẫn tới một số thuận lợi về thu hút và dịch chuyển FDI tại Việt Nam. Chưa kể, việc đã và đang tham gia hàng loạt các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để FDI chảy vào Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV mới đây trong báo cáo tác động với các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ COVID-19 cho biết, tác động đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần nhìn nhận ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Trong 17 ngành Trung Quốc có đầu tư ở Việt Nam, nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 54% tổng số dự án; trong đó ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất 54%, sản xuất điện-khí nước-điều hòa 26%).

Về địa bàn đầu tư, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại 22/28 tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa 2 nước.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong sản xuất và điều hành dự án, doanh nghiệp.

Việc những lao động này đang bị hạn chế trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết do các biện pháp phòng lây lan dịch COVID-19 có tác động trực tiếp đến các dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, cũng như thu nhập và đời sống của người lao động trong dự án, doanh nghiệp liên quan.

Thứ hai, dịch COVID-19 cũng có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới bởi quan ngại dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hong Kong, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung (mặc dù Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh COVID-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống bệnh này, và Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh).

Tuy nhiên, theo TS Lực, tác động tích cực này sẽ chủ yếu xảy ra trong trung hạn. Tính chung lại, thu hút FDI năm 2020 vẫn có thể tăng (khoảng 5%), thấp hơn 2,2 điểm % so với năm 2019.

Hai kịch bản thu hút FDI

Trước tác động của dịch Covid-19 đến thu hút FDI, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản thu hút FDI năm 2020. Con số mặc dù thấp hơn so với kịch bản ban đầu, song đều tăng so với năm 2019.

Cụ thể, nếu dịch COVID-19 kết thúc trong quý I, thu hút FDI năm 2020 ước tính đạt 38,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2019 và giảm 2,7 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu.

Kịch bản II, nếu dịch kết thúc cuối quý II/2020, con số thu hút FDI ước tính là tăng 6,2% so với năm 2019 và giảm 3,8 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu.