NATO mở thêm “cánh cửa” hợp tác toàn diện với các đối tác Đông Bắc Á- một thông điệp rõ ràng để khối này vươn ra khỏi Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa hoàn thành chuyến thăm đến hai đối tác quan trọng ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của NATO đối với các mối đe dọa ngày càng tăng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Các cuộc trao đổi song phương không được tiết lộ nhiều. Tại Seoul, người đứng đầu NATO đề cập đến chương trình hạt nhân Triều Tiên và khả năng nới lỏng chính sách nhập khẩu vũ khí của nước chủ nhà.
Với Nhật Bản, các cuộc thảo thuận có phạm vi rộng hơn, trong đó nhấn mạnh mối đe dọa an ninh mới ở châu Á – Thái Bình Dương; Đồng thời xác định rằng Tokyo và NATO sẽ thắt chặt quan hệ.
Trong bối cảnh biến động sâu sắc hiện nay, lãnh đạo NATO đến châu Á khiến giới quan sát dấy lên nhiều đồn đoán, khi mà trong suốt chuyến đi ông Stoltenberg liên tục nhắc đến quan điểm “các sự kiện ở châu Âu và Bắc Mỹ có mối liên hệ với các khu vực khác”.
“An ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời”, ông Stoltenberg nhấn mạnh. Nhận định này có cơ sở khoa học, nhưng rất đáng lưu tâm khi bên đưa ra luận điểm này là người đứng đầu liên minh quân sự uy lực nhất hiện nay.
NATO đang vươn mình ra khỏi “Bắc Đại Tây Dương”, ứng với tầm nhìn chiến lược của khối này – nhấn mạnh nhiều mục tiêu ở châu Á – Thái Bình Dương, song trùng với tiến trình “xoay trục châu Á” của Washington.
Thứ nhất, chiến sự Nga – Ukraine là tham chiếu an ninh không mới nhưng rất thời sự, khi một nước nhỏ tồn tại cạnh nước lớn giàu tham vọng bá cường. Rõ ràng khung khổ pháp lý quốc tế hiện nay không đủ sức tạo ra cân bằng. Vì vậy, các nước nhỏ là mảnh đất lý tưởng gieo hạt mầm mâu thuẫn với các nước lớn. Ví dụ, Mỹ hậu thuẫn Ukraine đẩy quan hệ Mỹ – Nga vào tình trạng rất xấu.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc NATO thắt chặt quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh này là bước chuẩn bị của phương Tây nhằm phòng ngừa một chiến dịch quân sự xảy ra ở châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.
Thứ hai, lợi ích Mỹ ở đâu thì hiện diện quân sự ở đó. Kịch bản này từng xảy ra ở Trung Đông, châu Âu. Nói cách khác, khi Nhà Trắng xác định lợi ích lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương thì NATO chính là tấm khiên tiền trạm “dọn dường” và bảo vệ lợi ích đó.
Trong trường hợp này, Washington can dự vào vấn đề Đài Loan, thân mật với Đông Nam Á cũng là để kiềm chế Trung Quốc. Nếu Mỹ kìm hãm được Trung Quốc, thì sẽ làm chủ châu Á – Thái Bình Dương; làm chủ châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 thì có thể làm chủ toàn cầu.
Do vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích chuyến đi của Tổng thư ký NATO, rằng: “NATO đang gây lo ngại vì quan tâm ngày càng nhiều đến những khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động của khối; đồng thời tái khẳng định Bắc Kinh là đối tác hợp tác của tất cả các quốc gia, không phải là mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của riêng nước nào”.
Triều Tiên thẳng thắn cho rằng: “chuyến đi của ông J.Stoltenberg là khúc dạo đầu của sự đối đầu và chiến tranh, mang đến rủi ro về một cuộc chiến tranh lạnh mới cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Trương Khắc Trà