Những món đồ đã qua sử dụng tưởng chừng bỏ đi, nhưng một startup tại Châu Âu đã biết cách mang chúng trở lại thị trường và tạo ra một doanh nghiệp được xếp vào đẳng cấp “kỳ lân”.
Năm 2012, tại thủ đô Vilnius, Litva, một nhóm các cô gái trẻ đã khai sinh Vinted – cộng đồng trực tuyến trao đổi mua bán các mặt hàng quần áo và phụ kiện cũ.
Tiềm năng dồi dào
Cũng giống như nhiều ý tưởng độc đáo khác, Vinted ra đời từ nhu cầu thực tế. Khi chuyển đến căn hộ mới, Milda Mitkute nhận thấy mình quá mệt mỏi vì phải mang theo hàng chục kiện quần áo cũ. Milda bỗng nảy ra câu hỏi với Justas Janauskas- một người bạn thân: Tại sao không kiếm tiền từ các món đồ này?
Justas Janauskas vốn rất giỏi công nghệ thông tin, đã nhanh chóng xây dựng một trang web- chụp hình các món đồ cũ bằng điện thoại, rồi đăng bán với giá rẻ bất ngờ, đây là tiền thân của Vinted đang được định giá hơn 1 tỷ USD.
Giờ đây, Vinted đã có 25 triệu người dùng đăng ký ở 11 thị trường Châu Âu, trong đó Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha là những thị trường lớn nhất của tập đoàn này.
Hiện tượng Vinted đã ảnh hưởng đến các “ông lớn” ngành thời trang quốc tế, nếu như trước đây H&M, Banana… chỉ chuyên thiết kế, sản xuất sản phẩm mới thì nay đã bắt đầu mở thêm phân khúc cho thuê trang phục.
Đáng chú ý trong số hơn 20 công ty thời trang lớn của Nhật Bản, mỗi công ty đã mở ít nhất 62 cửa hàng kinh doanh đồ cũ tại 8 nước Đông Nam Á. Hiện nay, ngành kinh doanh đồ cũ chiếm khoảng 4,36% tổng doanh số thị trường bán lẻ tại quốc gia Đông Á.
Theo điều tra của Global Data, thị trường quần áo cũ được định giá khoảng 24 tỷ USD cách đây 2 năm, và sẽ đạt khoảng 64 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Tư duy mới cho đồ cũ
Thị trường đồ cũ tại Việt Nam chưa được định giá, song đã ra đời từ sau năm 1975 khi những người Việt đầu tiên ra nước nước ngoài và mang về chiếc radio, hộp cao xoa bóp, đồng hồ Mayak Liên Xô, hay chiếc xe Cub Nhật Bản… Nhưng đó là những món đồ cũ nhằm mục đích thỏa mãn cơn khát “hàng ngoại” hơn là một thói quen tiêu dùng để thích nghi với bối cảnh mới.
Trên thực tế, ai cũng có thể kinh doanh đồ cũ vì vốn ít, nguồn hàng dễ kiếm, nhưng ở Việt Nam chưa có đầu mối nào thực sự lớn để biến lĩnh vực này thành ngành công nghiệp dịch vụ đúng nghĩa.
Từ thành công của Vinted cho thấy, kinh doanh đồ cũ nhưng cách thức không cũ chút nào. Các cửa hàng cũng được thiết kế và bày biện bắt mắt, nhiều cửa hiệu trông chẳng khác gì các chuỗi siêu thị Target, Wal-Mart hay thậm chí là cửa hàng thời trang Uniqlo. Đây là nguyên tắc căn bản đầu tiên.
Sở dĩ đồ cũ được kinh doanh ở Vinted có sức hút mạnh nhờ “tiếng thơm” thương hiệu. Do đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam muốn vươn tầm trong lĩnh vực này buộc phải kinh doanh các sản phẩm cũ của thương hiệu lớn. Đây là nguyên tắc căn bản thứ hai.
Cũng như mọi ngành khác, con đường “tắt” ra thị trường, tạo ảnh hưởng của hàng “second hand” phần lớn thông qua thương mại điện tử. Đây là nguyên tắc căn bản thứ ba.
Việc lựa chọn chủng loại hàng hóa để khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Vốn dĩ đồ cũ vốn đã không…còn mới, tính hấp dẫn ban đầu đã mất đi. Làm mới sản phẩm bằng marketting là yêu cầu bắt buộc thứ tư.
Trương Khắc Trà