Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng, giảm thuế, phí và các loại phí cho DN để giảm thiệt hại do dịch COVID-19, song nguy cơ nền kinh tế nhiễm “virus trì trệ” đang khá lớn.
Tận dụng những nguồn lực còn dư địa để kích nền kinh tế thoát trì trệ là điều cần kíp lúc này.
Chọn vùng còn nguồn lực và dư địa
Hiện nay, chính sách tiền tệ đã khá hẹp dư địa do NHNN dựa trên các số liệu cơ bản đầu vào đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm chỉ ở 14% . Trong khi đó, chính sách thuế khóa cũng đang co kéo giữa miễn, giảm thuế, phí và các loại phí hỗ trợ doanh nghiệp “sống sót” qua mùa dịch, với yêu cầu vẫn phải có nguồn thu để bổ trợ cho ngân sách Nhà nước.
Theo một thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách nhà nước trong quý II sẽ giảm ước khoảng 42.000 tỷ đồng do tác động và nếu dịch COVID-19 còn kéo dài. Với diễn biến phức tap của dịch hiện nay, khó có thể nói trước mức độ tác động và kéo dài của dịch đối với thu ngân sách ở cả nội địa, xuất nhập khẩu. Điều “may mắn” là ở khu vực dầu thô, giá dầu giảm theo tính toán không tác động lớn đến thu ngân sách. Tỷ trọng dầu thô trong tổng thu ngân sách Nhà nước trong những năm gần đây đã giảm rất mạnh từ trên 7% của 2015, xuống chỉ còn 3,8% ở 2019. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt sức ép và tăng dư địa cho các khoản chi ngân sách Nhà nước, ít nhất trước khi nói đến thực thi các biện pháp kích thích kinh tế, là để đảm bảo việc triển khai các biện pháp chống dịch.
So với những địa hạt trên, đầu tư công được đánh giá còn nguồn lực và dư địa rộng để tăng sức mạnh và năng lượng lan tỏa cho nền kinh tế
Cũng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, vốn đầu tư công còn hơn 100.000 tỷ đồng chưa được giải ngân. Năm 2020 ngân sách dành cho đầu tư công là hơn 500.000 tỷ đồng. Riêng nguồn dự toán này đã gấp đôi gói tín dụng dự kiến giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần còn lại của nền kinh tế. Nếu được giải ngân sớm, “bơm” vốn dự toán vào hiện thực, đây sẽ là thuốc trợ lực có ý nghĩa như một vaccine đặc trị chống virus trì trệ cho tăng trưởng GPD ở năm nay.
“Vốn mồi” khơi thêm trợ lực
Mới đây, trong chuyến làm việc với 5 tỉnh về chống hạn hạn, xâm nhập mặn, đích thân Thủ tướng đã đi kiểm tra tiến độ Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án có tính đòn bẩy đối với kinh tế vùng TP HCM và ĐBSCL trên cơ sở giải quyết bài toán rút ngắn thời gian, chi phí đi lại, tăng tốc giao thương hàng hóa trên các địa bàn. Trước đó, trong tháng 9/2019, Thủ tướng cũng đã kiểm tra thực địa, trao quyết định đồng ý bố trí nguồn vốn 2.186 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2018 cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, là nguồn “vốn mồi” để đến hiện tại, các ngân hàng cũng đã vào cuộc cam kết cho vay thực hiện dự án tới 6. 686 tỷ đồng.
Một ngân hàng cho biết trong khi bắt đầu xem xét hỗ trợ thiệt hại để giải ngân cho các doanh nghiệp mà hiện Thông tư hướng dẫn từ NHNN vẫn chưa ban hành; thì bản thân ngân hàng cũng sẵn sàng hướng đến các dự án trọng điểm, “trong tầm ngắm vừa lực” với các dự án BT, BOT mà tổ chức có thể tham gia, miễn sao các dự án này vừa có thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý nhanh, an toàn cho khoản vay ngân hàng và có hiệu suất ICOR thấp – hiệu quả với nền kinh tế.
“Chúng ta đang có rất nhiều dự án có tính đòn bẩy như thế, có thể góp phần giữ tăng trưởng GDP trong năm nay lẫn có giá trị đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển nói chung trong dài hạn. Nhưng vấn đề để ngân hàng được tham gia giải ngân vốn đầu tư công hoặc bổ sung từ vốn mồi của Nhà nước, vẫn phụ thuộc rất lớn quá trình, tiến độ giải quyết hồ sơ của dự án BT,BOT…” TGĐ một ngân hàng cho biết.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), “Muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các giải pháp cần phải đặc biệt và khác biệt. Nếu vẫn đều đều tuân thủ các trình tự thủ tục như hiện nay, thì khó có tăng trưởng GDP 6,8% cho năm 2020”.
Hy vọng với việc Chính phủ chủ động cho phép điều chuyển vốn tồn đọng, không thể giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh, cải cách hành chính tại Kho bạc, chỉ đạo ráo riết các cơ quan đã được phân cấp, giao quyền thực hiện công tác lập dự sát thực tế, hoàn thiện các thủ tục và đẩy nhanh hơn nữa để giải ngân dự án không chỉ đúng tiến độ, các dự án đầu tư công sẽ hoàn toàn toàn thay đổi “thái độ” “đủng đỉnh đầu năm tăng tốc cuối năm”.
TS Trần Du Lịch – Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với các giải pháp cơ bản như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ. Chúng ta đang chờ NHNN sớm chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế – xã hội do dịch Covid-19; cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài; tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Tôi cho rằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là những giải pháp đồng bộ để giữ vững nền tảng ổn định của kinh tế vĩ mô. TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Kinh tế: Ưu tiên các dự án tác động trực tiếp kinh tế, sản xuất Với đầu tư công 2020, tôi cho rằng Chính phủ trước hết nên xác định chủ trương hành động là những dự án nào đã trong kế hoạch thì cố gắng hoàn thành thủ tục để giải ngân đúng tiến độ. Vì vậy, ngoài kế hoạch đầu tư công 2020, nếu kịch bản kinh tế xấu hơn nữa thì càng phải có định hướng lựa chọn các vùng, lĩnh vực ngay từ bây giờ để dầu tư. Các dự án có lộ trình từ 2021, 2020, nếu đủ điều kiện sớm có thể rút xuống 6 tháng và đầu tư ngay. Cần ưu tiên các dự án hạ tầng có tính tác động trực tiếp đến sản xuất kinh tế xã hội và tạm thời giãn ưu tiên đầu tư công vào khu vực phát triển dân sinh. |