Sự thiếu hụt liên tục về chip và các vật liệu cơ bản khác đang buộc một số công ty công nghệ và ô tô lớn nhất thế giới phải giảm quy mô mục tiêu trong năm nay.
Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook đã đưa ra cảnh báo rằng công ty “không miễn nhiễm” với các thách thức chuỗi cung ứng, lưu ý rằng mảng kinh doanh iPad có “những hạn chế về nguồn cung rất đáng kể” trong quý gần đây nhất.
Giám đốc tài chính của nhà sản xuất iPhone, Luca Maestri, cho biết có một số thách thức cần phải vượt qua trong quý hiện tại, bao gồm những hạn chế về nguồn cung liên quan đến Covid-19 có thể làm giảm doanh số từ 4 tỷ đến 8 tỷ USD.
Chất bán dẫn là một phần công nghệ thiết yếu cho phép các thiết bị công nghệ có thể thực hiện chức năng mà chúng được con người tạo ra. Chất bán dẫn có trong mọi thứ, từ lò nướng bánh và ấm đun nước đến máy bay chiến đấu và máy chơi game Nintendo Switch.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc điều hành Nokia, Pekka Lundmark đã nói rằng công ty viễn thông Phần Lan sẽ phát triển nhanh hơn trong quý trước nếu không phải do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Ông nói: “Tình hình đã ổn định nhưng vẫn còn khá căng thẳng. Khi chúng ta nói về chất bán dẫn, chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng mọi thứ sẽ bắt đầu tốt hơn vào cuối năm”.
Các công ty ô tô, vốn có xu hướng sử dụng chip kém tiên tiến hơn, tiếp tục cảm thấy tác động của cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu đã tàn phá ngành công nghiệp xe hơi vào năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để tìm các mảnh silicon mà họ cần để cung cấp năng lượng cho các tính năng như kiểm soát hành trình và cảm biến đỗ xe.
Giám đốc điều hành Daimler Ola Källenius nói rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên tục, đặc biệt liên quan đến chất bán dẫn, là một trong ba thách thức chính trong môi trường kinh doanh hiện tại.
Källenius nói thêm rằng việc thêm nhiều lệnh phong tỏa mới ở Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của Daimler, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Lundmark cho biết, chính sách phong tỏa tại Trung Quốc đang làm tăng thêm sự không chắc chắn trong ngắn hạn khi tham khảo chuỗi cung ứng chip của Nokia.
Giám đốc điều hành của Volvo Cars Jim Rowan nói rằng Volvo hiện không có đủ chipset. Ông nói thêm rằng công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề này trong quý thứ hai nhưng cho biết công ty đã có “nguồn cung đảm bảo” sẽ giúp ích trong nửa cuối năm nay.
Trong một nghiên cứu hồi tháng trước về khu vực đồng euro, các nhà kinh tế Kallum Pickering và Salomon Fiedler của Berenberg cho biết việc sản xuất ô tô vẫn còn thiếu hụt nhiều so với lượng đơn đặt hàng.
Họ nói rằng doanh số bán chip đang phục hồi, nhưng sự tăng giá đáng kể có nghĩa là sự phục hồi trong điều kiện thực tế có thể sẽ thấp hơn giá trị doanh số được đề xuất.
Để giải quyết tình trạng thiếu chip, rác thải điện tử đang trở thành một sự lựa chọn tạm thời. Theo SCMP, CEO một tập đoàn công nghiệp lớn tại Trung Quốc tiết lộ, công ty ông đã phải mua máy giặt cũ, tháo chúng ra để lấy chip.
Tương tự, vì không nhập được linh kiện bán dẫn từ đối tác, một số doanh nghiệp phải tìm cách nhập rác thải điện tử và bóc tách để lấy chip mình cần. Không chỉ các công ty nhỏ, doanh nghiệp lớn cũng phải vật lộn để có đủ chip sản xuất. Chẳng hạn, Tesla vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng chip hơn một năm qua. Đầu tuần này, đại diện công ty của Elon Musk thừa nhận các hoạt động sản xuất vẫn bị cản trở vì thiếu linh kiện bán dẫn. Tuần qua, Volkswagen cho biết công ty có thể gặp tác động tiêu cực từ việc khan hiếm chip, còn Toyota Motor đã giảm sản xuất 100.000 ôtô trong mục tiêu năm nay do không đủ chip.
Nguyễn Long