chung-khoan-nha-dau-tu

Nhà đầu tư nên thận trọng, chú ý quan sát trong giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index giảm 55,8 điểm xuống 1.243,51 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 346 mã giảm và 21 mã đứng giá. HNX-Index giảm 15,7 điểm  xuống 292,06 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 186 mã giảm và 142 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,79 điểm xuống 82,55 điểm. Trong nhóm VN30, có đến 29 mã giảm, 1 mã tăng giá; chỉ số VN30 đóng cửa ở mức 1.374 điểm, giảm mạnh 63,9 điểm.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích CTCK Tân Việt (TVSI) khuyến nghị, hiện tại mức độ hoảng loạn đã cao hơn khá nhiều do thanh khoản của phiên 19/7 khá cao, trên 25.000 tỷ đồng, cùng với mức giảm điểm mạnh, kết hợp các nhóm ngành chính đã cho thấy việc đổ vỡ. Rõ ràng có thể chúng ta sẽ cần một thời gian ổn định lại. Theo ông Nam, giai đoạn hiện tại nhà đầu tư nên bình tĩnh, xem xét lại danh mục của mình hợp lý, đề cao mức cẩn trọng lên cao nhất.

Dự báo trong phiên tới, ở thời điểm hiện tại việc dự báo diễn biến thị trường trong ngắn hạn rất khó. Tuy nhiên, sau phiên giảm điểm mạnh đầu tuần, thường thị trường sẽ có phiên hồi kỹ thuật, nhưng yếu tố chính tác động lên thị trường chứng khoán vẫn là thông tin liên quan diễn biến dịch COVID-19, những ca nhiễm mới ở các thành phố lớn …

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK KB Securites Việt Nam (KBSV) cho rằng, nếu nhà đầu tư bán tháo toàn bộ danh mục ở thời điểm hiện tại thì là quá trễ, thời điểm thích hợp để bán là cách đây 1-2 tuần thì sẽ chiếm ưu thế rất thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta không nên bán tháo bằng mọi giá mà nên duy trì ở tỷ trọng vừa phải, phù hợp với mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi cá nhân và ngoài ra việc dùng margin hay full cổ phiếu nên hạn chế tối đa. Bởi vì, như chúng ta đã biết, trên thị trường chứng khoán, điều gì cũng có thể xảy ra trong kịch bản nếu diễn biến dịch bệnh bùng phát ở quy mô lớn hơn nữa thì thị trường lao dốc xuống những mốc sâu hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, Giám đốc KBSV khuyến nghị.

dien-bien-vnindex

Phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index (nguồn: Yuanta Việt Nam).

Ở thời điểm hiện tại, ông Đức Anh không đánh giá cao kịch bản này mà kỳ vọng số ca nhiễm mới sẽ giảm dần và ổn định trong 1-2 tuần tới, là điểm tựa cho thị trường phục hồi trở lại.

Còn theo CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có khả năng sẽ thử thách mức hỗ trợ 1.210 điểm. Đồng thời, các chỉ số đã giảm sâu vào vùng quá bán. Nếu các chỉ số hồi phục trở lại hoặc thu hẹp đà giảm thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần và xác suất hình thành vùng đáy được đánh giá cao. Hiện nay, dịch bệnh đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường và gây ra các biến động mạnh khó lường, nhưng mức định giá hấp dẫn và các dấu hiệu xác lập vùng đáy ngắn hạn đang hình thành, cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các chuyên gia phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán ra ở mức giá hiện tại và quan sát ở vùng hỗ trợ 1.210 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên kế tiếp. Đồng thời, cơ hội ngắn hạn vẫn hình thành. Nếu các nhà đầu tư ngắn hạn có khẩu vị rủi ro cao thì vẫn có thể mua mới với tỷ trọng thấp nhằm thăm dò cơ hội ngắn hạn.

Nguyễn Long