Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang mở ra cơ hội cho hàng hoá Việt tăng tốc xuất khẩu vào thị trường những nước thành viên. Theo đó, thị trường RCEP đã nhập khẩu lượng máy móc thiết bị từ Việt Nam với trị giá trên 13 tỷ USD trong năm 2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước năm 2022 ước đạt 45,75 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2021; chiếm tỷ trọng 12,32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, giá trị xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 42,55 tỷ USD, tăng 19,38%, chiếm 93% kim ngạch xuất khẩu.
Tính riêng, xuất khẩu sang khu vực thị trường RCEP đạt 13 tỷ USD, tăng 23% so với 2021 chiếm tỷ trọng hơn 28%. Tiếp đến là khối CPTPP đạt 6,14 tỷ USD, tăng 21%, khối thị trường thuộc EVFTA với 27 nước thành viên EU đạt 5,63 tỷ USD, tăng 38,5%, chiếm tỷ trọng 12%.
Nhóm máy móc, thiết bị điện và điện tử được xuất khẩu nhiều nhất trong năm 2022, chiếm tỷ trọng tới hơn 73,24% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước. Cụ thể, dẫn đầu là chủng loại thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến (HS 8517) với tổng kim ngạch đạt 20,76 tỷ USD, tăng 39,41% so với năm 2021. Tiếp đến là các chủng loại: Biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh (HS 8504) đạt hơn 4,08 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8,93%; ắc quy điện (HS 8507) đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 4,58%; động cơ điện và máy phát điện (HS 8501) đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 3,92%…
Cũng theo thống kê, các sản phẩm máy móc thiết bị đạt sản lượng cao trong năm 2022 là: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều đạt 390,56 triệu chiếc; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W đạt 373,76 triệu chiếc; máy khâu loại dùng cho gia đình đạt 4,35 triệu cái; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu đạt hơn 1,95 triệu cái… được sản xuất chủ yếu tại các tỉnh thành: Đồng Nai, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…
Cùng với ngành công nghiệp, Hiệp định RCEP cũng mở ra cơ hội cho nông sản Việt xuất khẩu vào thị trường những nước thành viên. Hiện, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Hiệp định RCEP là FTA gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand. Đây là FTA được đánh giá lớn nhất thế giới với quy mô GDP 26,2 nghìn tỷ USD, khoảng 30% GDP toàn cầu, dân số 2,3 tỷ người (khoảng 30% dân số thế giới).
RCEP cũng là thị trường chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Tham gia RCEP, các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. “RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các đối tác. Với người sản xuất, RCEP đem đến cơ hội nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đa dạng về nguồn cung ứng và chất lượng với giá thành rẻ hơn như máy móc thiết bị, vật tư, phân bón…”, ông Phùng Đức Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, quan trọng hơn đó là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu với những cam kết mạnh mẽ hơn về đầu tư và dịch vụ…
Bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra vì các nền kinh tế trong Khu vực đều có năng lực cạnh tranh khá cao, kể cả ở những lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ bị sức ép cạnh tranh rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội để cạnh tranh thành công ở cả thị trường trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.
Tuấn Kiệt