Những năm qua, các tập đoàn nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của thị trường nội địa, xem đây là “mảnh đất màu mỡ” nên đã có hàng loạt thương hiệu thời trang ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam, khiến cán cân đang nghiêng về thời trang ngoại, thời trang Việt yếu thế hơn hẳn trên “sân nhà”

Theo thống kê, hiện có khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung bình đến cao cấp như Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Warehouse, Topshop, CK, Nike, Levi’s… đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Các thương hiệu tên tuổi này đang ngày càng phổ biến trong thói quen mua sắm của người dùng Việt. Để khai thác thị trường thời trang Việt Nam các nhãn hàng nước ngoài đã liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ.

Thời trang Việt bị lép vế trước “rừng” thời trang ngoại nhập.

Chẳng hạn, những tháng cuối năm 2022, thương hiệu quần áo MLB (Hàn Quốc) dành cho giới trẻ đã liên tiếp mở 3 cửa hàng lớn gồm SC Vivo City, Aeon Mall Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) và Vincom Plaza Ngô Quyền (Đà Nẵng). Tính đến thời điểm hiện tại, thương hiệu này đã có 18 cửa hàng trên khắp toàn quốc, trong đó có đến 7 cửa hàng mới được khai trương trong năm 2022 gồm Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), Vincom Biên Hòa (Đồng Nai), Crescent Mall và Street shop Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh)…v..v.

Dẫn theo một con số khảo sát của hãng Nielsen, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về yêu chuộng hàng hiệu, 56% người Việt sẵn sàng chi tiền mua hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Điều này cho thấy, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người Việt ngày càng quan tâm đến trang phục nên sức tiêu thụ mặt hàng thời trang cũng tăng lên. Doanh nghiệp thời trang nước ngoài đang tăng tốc đầu tư khai thác thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

Nghịch lý ở chỗ, hàng may mặc của Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn và “khó tính” như: Các nước CPTPP, ASEAN, Hoa Kỳ, EU, Nga,… Đặc biệt, trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã cùng với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức, kết nối cho các doanh nghiệp hàng thời trang trong nước, tìm kiếm đối tác, cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường tiềm năng là các nước châu Phi và Nam Mỹ.

Tức là, trong khi hàng may mặc của Việt Nam đang rất được thị trường thế giới ưa chuộng. Nhưng trên hành trình trở về sân nhà, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt với các nhãn hàng thời trang của các quốc gia trong khu vực Châu Á lẫn thương hiệu quốc tế có cùng mục tiêu mở rộng kinh doanh ở thị trường gần 100 triệu dân.

Thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài so với doanh nghiệp trong nước là vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp, nhất là hệ thống chuỗi xuyên quốc gia rất mạnh, có lợi thế về thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy khi đặt chân vào thị trường Việt Nam là nhanh chóng tiếp cận được thế hệ trẻ – là nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến thời trang, kiểu dáng thay đổi liên tục, thiết kế nhanh.

Chính sự xuất hiện của những “ông lớn” ngành thời trang nước ngoài không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng, mà còn tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thời trang trong nước… khiến thị phần của các doanh nghiệp dệt may, thời trang trong nước vốn đã nhỏ lại nguy cơ ngày càng nhỏ hơn.

Điều này cũng có nghĩa, việc xuất hiện nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã tạo áp lực với các nhà sản xuất trong nước và buộc phải đa dạng hóa sản phẩm ở mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân, đặc biệt giá bán phải rẻ hơn hàng ngoại nhưng chất lượng không thua kém.

Quan trọng hơn, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại tại thị trường nội địa, rất hy vọng các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, học hỏi, có trách nhiệm đến cùng đối với khách hàng. Bởi vì, nếu không đổi mới, đầu tư mở rộng quy mô, chuỗi phân phối với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ bị chiếm thị phần, thậm chí bị thôn tính.

Đồng thời, doanh nghiệp thời trang, dệt may cũng cần liên tục có các chương trình nghiên cứu về thói quen tiêu dùng, sức mua… của thị trường nội địa, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Tổ chức lại mạng lưới phân phối, tránh qua nhiều cấp trung gian và chọn hình thức tiếp cận thích hợp, ngay cả thương mại điện tử…

Đây không phải là cuộc cạnh tranh đơn thuần về bán buôn nữa, mà đó là một “cuộc chiến” giành giật thị phần thời trang chưa đoán định được hồi kết. Vì với thị trường gần 100 triệu dân cùng mức tiêu dùng ngày một cao luôn là “mảnh đất màu mỡ” để cho các bên định hình chiến lược cạnh tranh, phát triển.

Sông Hàn