Chuyển tới nội dung

Thị Trường BĐS Tân Uyên Diễn Biến Ra Sao Sau Khi Lên Thành Phố?

Việc lên thành phố không chỉ giúp Tân Uyên (Bình Dương) tích cực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, khai thác nguồn lực công nghiệp, dịch vụ mà còn mở ra cơ hội cho thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ.

Diện Mạo Hạ Tầng Thay Đổi Ra Sao Khi Lên Thành Phố?

Nghị quyết thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương vừa thông qua càng khẳng định cho định hướng phát triển Tân Uyên là trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa phía đông nam của tỉnh. Phát triển lên thành phố đồng nghĩa Tân Uyên sẽ sở hữu nhiều động lực giúp tăng trưởng mạnh kinh tế thời gian tới và mở ra tiềm năng phát triển của thị trường BĐS tại đô thị này.

Xét về hạ tầng, để đáp ứng đúng tiêu chí đô thị loại 2, Tân Uyên đang triển khai loạt công trình hạ tầng quan trọng như nâng cấp đường ĐT 747B với lộ giới quy hoạch 42-74m, đường ĐT 746 lộ giới 35,5-42m; xúc tiến đầu tư loạt dự án giao thông trọng điểm, nổi bật là đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường nội thành quan trọng như Tân Phước Khánh 10, đường LKV13… giữ vai trò kết nối các trục đường chính cũng đang được đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới.

Hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư hơn sau khi Tân Uyên chính thức lên thành phố.

Đáng chú ý, các dự án vành đai 3 khởi động bên cạnh khởi công cầu Bạch Đằng 2 quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng để kết nối TP. Biên Hòa, sân bay Long Thành, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023. Đây cũng chính là tuyến giao thông có ý nghĩa đặc biệt để TP. Tân Uyên tăng cường kết nối kinh tế, giao thương với các vùng kinh tế hàng đầu khác. Ngoài ra, Tân Uyên đang có 2 dự án giao thông trọng điểm là đường Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành mà phần lớn diện tích đi qua địa bàn Tân Uyên. Theo lộ trình, 2 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2025 giúp kinh tế khu vực này tăng tốc nhanh hơn.

Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP. Tân Uyên, để thực hiện mục tiêu đạt đô thị loại 2 trước năm 2025, Tân Uyên đã tập trung thực hiện công tác quản lý và phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh. Hiện tại Thành phố có dân số khoảng 466.000 người, tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm. Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu nền kinh tế, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 95%. Năm 2023, Tân Uyên phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13%, giá trị thương mại và dịch vụ tăng 23%. Địa bàn có 3 cụm công nghiệp và 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

Đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ dành ra 1.600ha đất cho các dự án, trong đó TP. Tân Uyên đứng đầu khi cần đến 274 ha để phát triển nhà ở mới. Tân Uyên cũng đang tập trung khá nhiều KCN có quy mô lớn của Bình Dương như KCN VSIP 2, KCN Nam Tân Uyên, cụm công nghiệp Uyên Hưng, Thái Hòa, Phú Chánh… sắp tới là VSIP 3 diện tích 1.000ha đang chuẩn bị triển khai và nếu đi vào hoạt động sẽ thu hút đông đảo lao động  đến sinh sống và làm việc.

Cơ Hội Trở Thành Thị Trường BĐS Giàu Tiềm Năng

Tốc độ phát triển công nghiệp và đòn bẩy KCN VSIP 3 đưa Tân Uyên đứng trước sức ép lớn về nhu cầu nhà ở cho hàng triệu chuyên gia. Tuy nhiên xét về nguồn cung, lượng dự án tại Tân Uyên còn ít. Những năm qua thị trường này vẫn chủ yếu khai thác các sản phẩm đất nền, đất nền dự án nên khá hiếm sản phẩm nhà liền thổ quy mô, quy hoạch bài bản, vận hành chuyên nghiệp. Phần lớn dự án đang triển khai tại Tân Uyên đều thuộc phân khúc đất nền. Có thể xét đến một số dự án như Khu nhà ở Bình Mỹ 2 của CĐT Hà Nam; Khu nhà ở Lê Gia của BĐS Lê Gia; New Times City của Kim Oanh; KDC Tuấn Điền Phát Residence, KDC Tân Phước Khánh Village của CĐT Thái Bình hay KDC Nam Tân Uyên của CĐT Núi Hồng… hầu hết đều có tầm giá bán từ 1,2 – 2 tỷ đồng/nền đất tùy vị trí.

Còn nếu xét về phân khúc nhà liền thổ cao cấp, hiện Tân Uyên chỉ mới có dự án khu biệt lập The Standard được An Gia xây dựng. Dự án có quy mô 374 căn nhà phố, shophouse tổng mức đầu tư vào khoảng 460 tỷ đồng và đã hoàn thành bàn giao, đưa vào vận hành từ năm 2022. Khu biệt lập này hướng đến phục vụ giới chuyên gia tại địa phương và nhóm quốc tế từ Nhật Bản, Đan Mạch… giá bán hiện nay đã tăng hơn 40% so với giai đoạn mở bán trước đó. Những căn nhà phố, villa tại đây có giá tăng mạnh nhất do số lượng giới hạn, sản phẩm khác biệt, phù hợp với giới chuyên gia và những người có thu nhập cao. Dự án đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục cấp sổ hồng cho khách mua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá nhà ở tại khu vực Tân Uyên vẫn tăng trưởng ổn định qua các năm. Cụ thể, nhà liền thổ tại Tân Uyên hiện có giá trung bình ở mức 45 – 50 triệu/m2. Đất mặt tiền đường một số dự án ở khu vực trung tâm đô thị hoặc liền kề khu công nghiệp hiện ở mức 21-27 triệu/m2. Đất nền giao dịch khoảng giá 15-20 triệu/m2, nhà riêng ngoại thành có tầm giá từ 37-45 triệu/m2, riêng nhà thấp tầng được đầu tư bài bản ở các dự án dao động ở mức 52-70 triệu/m2. Sau thông tin Tân Uyên chính thức lên Thành phố, giá nhà đất khu vực này cũng chưa ghi nhận sự biến động lớn. Ngoài một số sản phẩm đất nền tự do, đất nông nghiệp diện tích lớn có xu hướng giảm giá cục bộ từ nhà đầu tư mắc cạn tài chính, nhìn chung giá BĐS Tân Uyên ít xuất hiện tình trạng giảm sâu diện rộng. Tuy nhiên thông tin lên thành phố đã khiến nhu cầu tìm mua BĐS của thị trường này gia tăng trong tháng vừa qua.

Trong tháng 2/2023, nhu cầu tìm mua nhà đất tại Tân Uyên tăng 191% so với tháng 1 trước đó. Nhu cầu tìm mua tăng mạnh ở loại hình đất nền, biệt thự, nhà liền kề với mức tăng từ 57-109% và tập trung vào các dự án có pháp lý minh bạch, hạ tầng hoàn thiện, chính sách bán hàng giàu ưu đãi. Đặc biệt các dự án đã đưa vào vận hành, khai thác kinh doanh tốt được nhà đầu tư quan tâm cao hơn các sản phẩm chỉ thuần túy đầu tư mua đi bán lại.

Phương Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved