Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4 năm nay dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 8,88 tỷ USD trong đó khoảng 972 triệu USD dành cho lĩnh vực bất động sản.
Trong 4 tháng đầu năm tính đến hết ngày 20/4, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, góp vốn mua cổ phần, mua vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD. Con số này so với cùng kỳ năm ngoái giảm gần 18%, trong đó nguồn vốn đăng ký mới đạt 4,1 tỷ USD, tăng 11,1% tương ứng với khoảng 750 dự án tăng 65,2% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng số dự án mới cao hơn tốc độ tăng vốn đăng ký mới, điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và quan tâm vào Việt Nam trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Vốn giải ngân đạt khoảng 5,85 tỷ USD đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm có tổng số 77 quốc gia đầu tư vào Việt Nam và dẫn đầu là Singapore với tổng vốn gần 2,2 tỷ USD sau đó là Nhật Bản với gần 2 tỷ USD và Trung Quốc với 752 triệu USD, thấp hơn là Đài Loan, Hongkong và Hàn Quốc.
Hàn Quốc dẫn đầu với số dự án mới chiếm 16,1%; số lượt điều chỉnh vốn chiếm 24,4% và vốn góp mua cổ phần đạt 28,2%. Cụ thể, trong các lĩnh vực dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 5,1 tỷ USD, xếp sau đó là tài chính ngân hàng với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 3 là kinh doanh bất động sản với gần 972 triệu USD.
Trong danh sách tỉnh thành thu hút vốn FDI, Hà Nội dẫn đầu các tỉnh thành với tổng vốn đầu tư đạt mức hơn 1,1 tỷ USD, chiếm khoảng 19,2% tổng vốn đầu tư đăng kí và gấp 2,6 lần cùng kì của năm 2021. Còn lại về phía nam, TP. HCM là địa phương dẫn đầu cả nước số dự án mới với 40,9%, số vốn góp mua cổ phần là 66,2% và dự án điều chỉnh chiếm 24,6%.
Ông John Campbell – Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho hay thị trường bất động sản Việt Nam đang được hưởng lợi từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng giữ mức ổn định và mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn so với các nước bạn.
Đồng quan điểm chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, thị trường xuất hiện nhóm “người chơi mới”, là một ẩn số với các DN, quỹ đầu tư… đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường bất động sản thông qua mua bán – sáp nhập, thu mua quỹ đất với những DN bất động sản phù hợp hoặc tự thành lập DN bất động sản để phát triển sản phẩm riêng.
“Vốn FDI rót vào ngành bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn, đại đa số các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bất động sản đều là các doanh nghiệp quy mô lớn với hình thức đa dạng. Vốn ngoại rót nhiều phần vốn vào bất động sản nói lên rằng nhà đầu tư đặt niềm tin lớn vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như lĩnh vực bất động sản” – ông Quốc Anh bày tỏ quan điểm.
Vi Anh