Tại báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021, dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Theo Bộ Xây dựng, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản cũng tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 9 năm 2021 từ 0,6 tỷ USD đến 1,78 tỷ USD. Theo đó vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo quý.

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó, báo cáo của Savills Việt Nam cũng ghi nhận trong quý III, hoạt động M&A bất động sản của các nhà đầu tư ngoại cũng diễn ra mạnh mẽ hơn quý trước đó. Đặc biệt, nhóm bất động sản nhà ở có lượng giao dịch M&A vượt trội so với các loại hình tài sản khác.

Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến hoạt động đại gia bất động sản Nhật Bản Nishi Nippon Railroad khi mua lại phần vốn góp của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH Một thành viên Paragon Đại Phước.

Cũng trong quý vừa qua, Nishi Nippon Railroad còn hợp tác với Tập đoàn Nam Long phát triển dự án nhà ở vừa túi tiền tại Long An với mức giá chỉ trên dưới một tỷ đồng một căn nằm tại cửa ngõ dẫn vào khu đô thị Waterpoint 355 hecta.

Cùng phân khúc nhà ở, Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) cũng chính thức mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD. Tập đoàn Matrix Holding Limited ghi nhận mua dự án tại Đà Nẵng với giá 15,5 triệu USD.

Somerset-Metropolitan-West-Hanoi

Phối cảnh dự án Somerset Metropolitan West Hanoi vừa được mua lại bởi Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland)

Ở phân khúc bất động sản công nghiệp, Savills ghi nhận Công ty Cortronic giao dịch bất động sản tại khu công nghiệp Phú Mỹ, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với giá trị thương vụ 30 triệu USD. Riêng nhóm bất động sản dịch vụ y tế, Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD.

Theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, dù tác động của đại dịch đến nền kinh tế khá nặng nề nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt ở phân khúc bất động sản nhà ở. Một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài là tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam ngày càng tăng, cơ sở thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp cả nước.

Theo đánh giá của ông Neil MacGregor, nguồn cung nhà ở đang sụt giảm mạnh trong một vài năm gần đây càng khiến động thái mua bán sáp nhập các dự án bất động sản nhà ở của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ. Điều này cho thấy sự chuẩn bị nguồn cung sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng khi trạng thái bình thường mới được thiết lập.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ, dòng vốn nước ngoài cho thấy lòng tin và sự kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.

Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đánh giá, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày một mạnh hơn, sâu hơn là dấu hiệu cho thấy thị trường sắp diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt để mang tới những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

“Cơ hội đón dòng vốn FDI dịch chuyển sẽ là “chất xúc tác” thúc đẩy xu hướng này diễn ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu để doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh được tiềm năng của dự án, cũng như đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường để thỏa mãn mức sinh lời kỳ vọng của các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà phát triển dự án cũng cần vạch ra chiến lược cụ thể cho từng phân khúc, loại hình bất động sản để có thể kêu gọi hợp tác dài hạn từ các nhà đầu tư nước ngoài” – bà Dung nhấn mạnh.

Diệu Hoa