Các nhà dịch tễ học Trung Quốc vừa cảnh báo, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút và có thể bay xa 4,5 m, xa hơn khoảng cách an toàn mà các giới chức y tế đưa ra.
Cụ thể, trong nghiên cứu được bình duyệt (peer-reviewed) và đăng trên tạp chí Practical Preventive Medicine, được thực hiện dựa trên một cụm lây nhiễm ngày 22/1 ở Hồ Nam trên một xe buýt. Bệnh nhân nhiễm bệnh ban đầu đã không đeo khẩu trang khi lên ngồi hàng ghế thứ hai (tính từ đuôi xe) của chuyến xe đường dài. Nhiều hành khách cũng không đeo khẩu trang, vì tại thời điểm đó, chính quyền chưa tuyên bố dịch bệnh.
Các đoạn ghi hình trích xuất từ camera hành trình cho thấy, người nhiễm bệnh ban đầu dù không tương tác với những người khác trong suốt hành trình kéo dài 4 giờ. Nhưng, vào thời điểm xe khách dừng ở thành phố tiếp theo, virus từ người này đã lây sang 7 hành khách khác, với hai nạn nhân xa nhất ở cách anh ta tới gần 4m5 và một bệnh nhân không có triệu chứng bệnh.
Sau khi xuống xe khách, anh ta lên một chiếc xe buýt nhỏ và di chuyển thêm một giờ nữa để về nhà. Trong đoạn đường di chuyển này, anh ta đã lây truyền mầm bệnh cho hai hành khách khác với một trong số đó cũng ngồi cách xa 4m5. Vào thời điểm nghiên cứu được hoàn thành vào giữa tháng Hai, bệnh nhân này đã làm lây nhiễm virus cho ít nhất 13 người.
Sau khi những hành khách này xuống bến, một nhóm khách khác lên xe khoảng 30 phút sau đó. Trong số những hành khách mới, có một người ngồi hàng trên phía kia lối đi với người bệnh ban đầu cũng bị nhiễm virus. Nhiều khả năng, người này đã hít phải các giọt dịch mà các bệnh nhân từ trước đã thở ra.
Như vậy, virus SARS-CoV-2 có thể bám nhiều ngày trên các bề mặt, nơi những giọt bắn li ti của người bệnh rơi xuống, làm gia tăng nguy cơ lây lan nếu một người không biết chạm vào và sau đó đưa tay sờ lên mắt, mũi, miệng của họ.
Điều này được các chuyên gia lý giải, ở trong không gian kín, không khí lưu chuyển chủ yếu do dòng khí từ điều hòa. Sự gia tăng của khí nóng có thể đưa các hạt nhỏ chứa virus đi xa hơn.
Đồng thời, chủng virus này có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút và hơn 5 ngày trong phân người và dịch cơ thể. Thời gian mà chủng virus SARS-CoV-2 tồn tại trên bề mặt nào đó phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết hay loại bề mặt, ví dụ như trong nhiệt độ khoảng 37 độ C, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong 2-3 ngày trên bề mặt kính, vải sợi, kim loại, nhựa hoặc giấy.
Mặc dù vậy, nghiên cứu vẫn có những câu hỏi chưa giải đáp được cũng như có nhiều thông tin trái chiều so với các nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học khác. Chẳng hạn, các hành khách ngồi ngay cạnh nguồn bệnh lại không bị lây, dù họ đã đối mặt với hàm lượng chất dịch cao nhất mà bệnh nhân ban đầu thở ra.
Tuy nhiên, điều này đang gây ra lo ngại rằng virus có thể lan xa hơn so với khoảng cách an toàn mà các cơ quan y tế đang khuyến cáo. Đồng thời gây thêm khó khăn trong việc tìm hiểu cơ chế hoạt động của chủng virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn sự lây lan diện rộng trong cộng đồng.
Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo nguy cơ từ việc COVID-19 bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu đang trở nên rất ‘thật” dù vẫn có thể được kiểm soát.
Các nhà khoa học vẫn nghiêng về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể được lan truyền thông qua các giọt bắn từ người đang ho hoặc hắt hơi khi đang tiếp xúc gần và không phải là lây truyền qua không khí.
Chính vì vậy, việc không ai trong số các hành khách đeo khẩu trang đi trên hai xe buýt bị nhiễm bệnh trong nghiên cứu trên là bằng chứng để nâng cao khuyến nghị người dân cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng kín cửa như tàu điện ngầm, xe ô tô, máy bay…
Hiện tại, Nghiên cứu do Tổ chức Các bệnh truyền nhiễm BMC cũng chỉ ra, những người sử dụng các phương tiện công cộng trong mùa dịch có khả năng nhiễm các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính cao gấp 6 lần so với bình thường. Việc có nhiều ca bệnh COVID-19 được phát hiện sau khi di chuyển trên cùng một chuyến bay đã cho thấy điều này.
Việc tăng cường vệ sinh trên các phương tiện công cộng và điều chỉnh điều hòa nhiệt độ để tối đa hóa nguồn khí sạch được cung cấp là vô cùng cấp thiết. Đồng thời việc hạn chế thấp nhất tiếp xúc bằng tay tại các nơi công cộng, sờ tay lên mặt trước khi rửa sạch cũng góp phần hạn chế việc nhiễm bệnh.