Nếu ba “đội quân chủ lực” gồm kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng phát triển, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, tiến kịp các nước phát triển…
GS-TS Nguyễn Mại đã nhấn mạnh như vậy khi nói về Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Chương trình hành động với 8 nhiệm vụ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW. Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ.
Bao gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động; Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện chể chế, chính sách thu hút đầu tư; Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm và hợp tác của nhà đầu tư. Hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.
Nâng chất hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài
Nhìn lại sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài đã cho thấy những kết quả thu được là rất quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Đáng chú ý, số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp.
Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường…
Những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, dẫn tới việc thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc.
Khi mà nguồn vốn đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ còn vào Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới, thì việc chặn “nguyên nhân chủ quan” phải được coi là cấp bách.
Theo GS-TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về đầu tư nước ngoài cùng với 2 nghị quyết trước đó về phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
“Nếu ba đội quân chủ lực gồm kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng phát triển, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, tiến kịp các nước phát triển” – GS-TS Nguyễn Mại nhấn mạnh và cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, chiến lược thu hút FDI cũng cần phải thay đổi, phải coi trọng những dự án FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, hiệu quả lớn…
Cùng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới, việc cam kết đối xử bình đẳng, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng chính là điều khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, chờ đợi.
Chiến lược thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới phải bắt đầu từ việc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn chung mà bất kỳ tỉnh, thành nào cũng không được bỏ qua khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam không nên tiếp tục lựa chọn chính sách chỉ dựa vào lợi thế là chi phí rẻ, ưu đãi về thuế, phí để thu hút vốn FDI. Nếu tiếp tục thì sẽ quay trở lại như giai đoạn trước đây và tạo ra các dự án thâm dụng lao động nhưng không làm tăng được năng suất, công nghệ kém, gây tác động môi trường”, một vị chuyên gia nói.
GS Nguyễn Mại cho rằng phải có sự thay đổi nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý Nhà nước để thực hiện việc này.
Mục tiêu về thu hút vốn FDI được Bộ Chính trị đặt ra: Giai đoạn 2021 – 2025 vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần đạt khoảng 150 – 200 tỷ USD (30 – 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200 – 300 tỷ USD (40 – 50 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 100 – 150 tỷ USD (20 – 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 150 – 200 tỷ USD (30 – 40 tỷ USD/năm). Nghị quyết nêu rõ tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa cần tăng từ 20 – 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030…. |