Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt giữa các vùng của tỉnh với khu vực và quốc gia; hạ tầng điện, nước và các dịch vụ ngân hàng, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh Nam Định cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh; tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ thân thiện với môi trường. Tất cả những nỗ lực đó đã tạo lên một sức hút diệu kỳ “ đất lành chim đậu”.

Nhà đầu tư P-DUKE Technology Co.,Ltd có địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Đài Trung, Đài Loan vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất bộ nguồn P-DUKE VIETNAM với tổng diện tích đất sử dụng 32.350,5m2 tại KCN Mỹ Thuận tỉnh Nam Định.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định: Mới đây, Ban vừa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất bộ nguồn P-DUKE VIETNAM của Nhà đầu tư P-DUKE Technology Co.,Ltd vào KCN Mỹ Thuận.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp, Nhà đầu tư P-DUKE Technology Co.,Ltd có địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Đài Trung, Đài Loan do ông LIAO, PEN-CHUNG, quốc tịch Trung Quốc, là người đại diện theo pháp lý đăng ký đầu tư dự án nhà máy sản xuất bộ nguồn P-DUKE VIETNAM với tổng diện tích đất sử dụng 32.350,5m2 tại KCN Mỹ Thuận.

Dự án có tổng vốn đầu tư 189,360 tỷ đồng (tương đương 8 triệu USD). Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 106,515 tỷ đồng, tương đương 4,5 triệu USD (thực hiện trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

Trong đó, vốn huy động 82,845 tỷ đồng, tương đương 3,5 triệu USD. Dự án phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn. Trong đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 158,352 tỷ đồng, tương đương 6,690 triệu USD; sử dụng 17.500m2 đất. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 là 31,007 tỷ đồng, tương đương 1,310 triệu USD; sử dụng 14.850,5m2 đất; công suất thiết kế gồm 10,955 tấn thiết bị biến áp/năm, 4,935 tấn cuộn cảm/năm, 19,6 tấn bộ nguồn/năm.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng, lắp đặt máy móc, vận hành thử và sẽ chính thức đi vào sản xuất vào tháng 10-2025. Giai đoạn 2 của dự án sẽ khởi công xây dựng vào tháng 1-2031 và tháng 1-2032 sẽ chính thức đi vào sản xuất; Công suất thiết kế gồm 4,695 tấn thiết bị biến áp/năm, 2,115 tấn cuộn cảm/năm, 8,4 tấn bộ nguồn/năm.

Thời hạn hoạt động của dự án khoảng 48 năm (kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 30-9-2071). Dự án đầu tư trên sẽ chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư.

Cũng theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành về: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất, ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được khấu trừ. Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư, nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện báo cáo theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung báo cáo; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Phòng cháy chữa cháy… và các quy định khác có liên quan.

Về phía nhà đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Thuận (Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong) phải đảm bảo đủ điều kiện về pháp lý và cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án theo quy định của pháp luật.

Thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh: P-DUKE là một Công ty có trụ sở tại Đài Loan được thành lập vào năm 1992, chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm chuyển đổi năng lượng hiệu suất cao gồm bộ chuyển đổi DC/DC, bộ nguồn AC/DC và cung cấp các giải pháp chuyển đổi nguồn tùy chỉnh; trọng tâm phục vụ chính là lĩnh vực đường sắt và y tế (các lĩnh vực đòi hỏi phải tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn ứng dụng tương đối và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao nhất).

Trước đó, Công ty TNHH QMH Computer (Tập đoàn Quanta Computer Inc ) được tỉnh Nam Định cấp giấy đăng ký chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính tại KCN Mỹ Thuận.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất, có đội ngũ kỹ thuật vững mạnh, hỗ trợ nhanh chóng và chuyên nghiệp trong các vấn đề thiết kế hệ thống liên quan đến nguồn điện, nhất là lựa chọn giải pháp nguồn tối ưu hoặc đề xuất cho mạch EMI… P-DUKE hiện đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong thị trường chuyển đổi năng lượng thấp, đã chiếm lĩnh được các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á Thái Bình Dương…

Trước đó ngày 4/5/2023 Nhà đầu tư Nhà đầu tư Quanta Computer Inc có văn bản đề nghị thực hiện dự án kèm đầy đủ hồ sơ gửi Ban Quản lý các KCN tỉnh. Ngay sau đó, BQL các KCN tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận đầu tư.

Theo ông Trần Anh Dũng – PCT UBND tỉnh: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty TNHH QMH Computer (Tập đoàn  Quanta Computer Inc ) được thực hiện dự án trên diện tích hơn 225.000 m2 đất thuộc KCN Mỹ Thuận, với mục tiêu hoạt động sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, cụ thể hơn là sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn; công suất thiết kế dự kiến 4.500.000 máy tính/năm.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.829 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD), trong đó hơn 1.178 tỷ đồng (41,67%) là vốn góp của Nhà đầu tư (tiến độ góp vốn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); còn lại là vốn Nhà đầu tư huy động. Thời hạn hoạt động dự án trong 48 năm, kể từ ngày được chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi hoàn thành xây dựng, các cơ sở sản xuất của Nhà đầu tư dự kiến có công suất ban đầu: Năm 2024: 1.300.000 máy tính xách tay/máy tính để bàn; 2025: 2.600.000 máy; 2026: 3.600.000 máy; 2027: 4.000.000 máy; 2028: 4.500.000 máy.

Theo đó, Nhà đầu tư được tỉnh Nam Định cho hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; được miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Đối với ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Đồng thời được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt nếu có theo quy định của pháp luật Việt Nam. Dự án đầu tư trên sẽ chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 48, Luật Đầu tư.

Theo ông Phạm Đình Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng đáp ứng cao nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

KCN Mỹ Thuận – Nam Định mang lại kỳ vọng sẽ thu hút được các dự án sản xuất công nghệ cao

Về chủ trương thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định tập trung thu hút doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ưu tiên các ngành sản xuất điện, điện tử, phụ tùng thiết bị phụ trợ, cơ khí…

Tỉnh không ưu tiên thu hút vào các ngành dệt may, da giày, nên đã quy hoạch riêng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông để đáp ứng các nhà đầu tư có nhu cầu. Nam Định cam kết luôn sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư, luôn đồng hành, hỗ trợ để các nhà đầu tư được hưởng đầy đủ các ưu đãi về đầu tư theo quy định hiện hành.

Với dự án sản xuất linh kiện điện tử đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận, và đây cũng là KCN mang lại kỳ vọng sẽ thu hút được các dự án sản xuất công nghệ cao, nhanh chóng được lấp đầy diện tích, tạo “đột phá” về thu hút đầu tư FDI công nghệ cao cho tỉnh Nam Định.

Trung Thành