Vì dịch bùng mạnh, khán giả sẽ không được vào sân xem Olympic, robot sẽ vừa là khán giả vừa là nhà tổ chức luôn.
Với việc khán giả không thể đến cổ vũ tại Thế vận hội Tokyo, các vận động viên rất có thể sẽ tranh tài dưới sự “chứng kiến” của các robot. Điều đó phần nào thể hiện tầm nhìn của Ban tổ chức khi họ xem đây là kì đại hội thể thao “sáng tạo nhất từ trước đến nay”, với kế hoạch triển khai các đội robot để hỗ trợ và thu hút các vận động viên cũng như người hâm mộ.
Tokyo đã bước vào tình trạng khẩn cấp mới trong tuần này, chưa đầy hai tuần trước khi bắt đầu Thế vận hội, và quốc gia này vẫn đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn đà gia tăng của dịch bệnh. Các khán giả quốc tế đã bị cấm đến Nhật từ nhiều tháng trước – lệnh cấm vẫn còn tiếp tục kéo dài đến tuần này. Thậm chí các nhà tổ chức còn cho biết ngay cả người hâm mộ Nhật Bản cũng sẽ phải xem Thế vận hội qua màn hình TV.
Dĩ nhiên dịch bệnh không thể tác động đến robot. Miraitowa và Someity, các robot linh vật giống như thật, có thể không “vỗ tay” quá nhiệt, song chúng vẫn có khả năng thể hiện sự nhiệt tình của mình bằng cách phản ứng lại hành động của nhau và thay đổi nét mặt.
Trong khi đó, robot T-TR2 của Toyota với camera ghi hình sẽ truyền tải hình ảnh trực tiếp tại khu vực thi đấu. Các robot hỗ trợ tương tự như các phương tiện tự động mà Toyota sử dụng để vận chuyển phụ tùng ô tô trong các nhà máy của mình sẽ giúp lấy đĩa và lao tại các sự kiện điền kinh.
Các nhân viên của Thế vận hội sẽ sử dụng “bộ quần áo trợ lực” của Panasonic ở hậu trường tại các địa điểm và Làng Olympic để bốc dỡ và vận chuyển các vật nặng. Bộ quần áo ngoài hỗ trợ vùng lưng và hông, giúp nâng tải dễ dàng hơn 20%.
Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ robot và Thế vận hội được coi là cơ hội để quảng bá điều đó với thế giới, đồng thời thể hiện tiềm năng ứng dụng rộng rãi của robot trong cuộc sống hàng ngày.
Thế vận hội cũng là một thời điểm quan trọng đối với Toyota, đơn vị tài trợ Thế vận hội lớn trên toàn cầu, khi mà họ đã lên kế hoạch triển khai các đội robot và phương tiện tự động để định vị hình ảnh của mình từ một hãng xe hơi thành một “công ty công nghệ di động”.
Việc Thế vận hội bị hoãn vào năm 2020 cũng mang lại cơ hội cho Toyota để cải tiến các robot linh vật Miraitowa và Someity của mình, để làm cho chúng trở nên sống động hơn nữa. Một cảm biến được gắn trên lòng bàn chân của chúng sẽ gửi thông tin để tính toán trọng tâm mỗi 1 / 1.000 giây, giúp điều khiển động cơ cho từng khớp nối. Hãng cũng cải thiện chuyển động mắt của robot, được đồng bộ hóa với mắt của người điều khiển từ xa để cải thiện các giao tiếp trên khuôn mặt.
Các robot chưa được sử dụng đợt này có thể sẽ quay lại vào Thế vận hội Tokyo Paralympics, trong đó có các máy giao thức ăn và đồ uống cho khán giả, bắt đầu từ ngày 24/8.
Quân Bảo