Chuyển tới nội dung

Thể thao Việt Nam: Năm Thìn với giấc mơ Olympic

Thể thao Việt Nam (TTVN) từng giành được 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ trong 10 lần tham dự Olympic kể từ năm 1980, dù vậy, việc chinh phục đấu trường lớn nhất của thể thao thế giới vẫn thực sự là giấc mơ.

Gian nan đường đến Olympic

Tính từ Olympic Moskva 1980, đã có tổng số 160 tuyển thủ TTVN có vinh dự được góp mặt ở 10 kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Đặc biệt có những giai đoạn, TTVN tham dự chủ yếu bằng các suất mời hoặc đặc cách từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Nhưng thực tế thi đấu đã chỉ ra, kể cả ở thời điểm TTVN có sự vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia nằm trong tốp đầu của thể thao Đông Nam Á như từ năm 2003 trở lại, việc giành được suất chính thức qua các giải tuyển chọn hoặc có thành tích đạt chuẩn dự Olympic cũng rất khó khăn chứ chưa nói đến chuyện giành huy chương.

Thống kê kể từ sau lần đầu tiên TTVN có tên trên bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Sydney 2000 với tấm HCB của võ sỹ Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo, số lượng tuyển thủ có suất dự Thế vận hội có sự tăng trưởng nhưng không ổn định và tương tự là số huy chương giành được. Cụ thể, tại Olympic Athens 2004, TTVN có 11 VĐV nhưng không giành được huy chương. Tại Olympic Bắc Kinh 2008 có 21 VĐV và giành được 1 HCB môn cử tạ của Hoàng Anh Tuấn. Đến năm 2012, TTVN có 18 VĐV dự Olympic London, giành 1 HCĐ của Trần Lê Qốc Toàn môn cử tạ nhưng được trao muộn do có VĐV bị phát hiện doping.

 Kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử của TTVN đến hiện tại là Olympic Rio diễn ra vào năm 2016 với 1 HCV, 1 HCB do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng. Đây là lần đầu tiên, TTVN giành được HCV và giành 2 huy chương ở một kỳ Olympic. Tuy nhiên, 5 năm sau đó, TTVN lại rơi vào cảnh trắng tay tại Olympic Tokyo dù có 18 VĐV giành quyền tham dự. Những con số nêu trên đã chỉ ra, với 160 VĐV tham dự nhưng chỉ có 4 VĐV giành được 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ trong 4 thập kỷ, Olympic là đấu trường đầy thách thức với các tuyển thủ và cả nền thể thao quốc gia.

Thể thao Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để có thể vươn tới tầm châu lục và Olympic.

Trở lại với Olympic Paris chuẩn bị diễn ra vào mùa hè 2024, hơn 6 tháng trước khi đại hội khởi tranh, TTVN mới giành được 3 suất chính thức ở các môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng). Mục tiêu TTVN đặt ra là giành từ 15 đến 18 suất tham dự ở các môn điền kinh, cử tạ, thể dục, bắn cung, cầu lông, đua thuyền, Taekwondo, Boxing ngoài 3 môn đã giành vé. Nhìn từ thành tích cụ thể giành được ở ASIAD 19 và kết quả từ các giải đấu tuyển chọn gần đây, để TTVN hoàn thành được chỉ tiêu này đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Thiếu đầu tư để giành thành tích ở Olympic

Thành tích chung ở các môn thể thao Olympic hay khả năng giành huy chương ở Thế vận hội còn thấp và thiếu ổn định trong 4 thập kỷ vừa qua có phần nhiều nguyên nhân do TTVN thiếu đầu tư để nâng cao thành tích chuyên môn cho VĐV. Hay nói một cách khác, TTVN chưa đặt nặng việc mài giũa các mũi nhọn, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đối với nhóm VĐV hoặc nhóm môn có khả năng vươn ra đấu trường châu lục (ASIAD) và thế giới (Olympic) qua thành tích ở đấu trường khu vực (SEA Games). Điều này được chính các nhà chuyên môn và giới truyền thông đã chỉ ra song khả năng khắc phục và sự chuyển biến còn chậm.

Nhìn vào kết quả đã giành được, thành tích 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016 dù có yếu tố bất ngờ đến từ sự xuất thần của VĐV trong thi đấu nhưng nhìn tổng thể việc có được 23 VĐV giành vé và  thành tích rất đáng khen ngợi từ nhóm môn Olympic trước đó ở đấu trường khu vực được coi như động lực để thúc đẩy sự vươn lên. SEA Games 27 tại Myanmar, số lượng HCV của đoàn TTVN từ nhóm môn, nội dung Olympic chiếm 64,3% (47/73 HCV) và con số này được nâng lên thành 87,67% (64/73 HCV) tại SEA Games 28 ở Singapore. Đây cũng là giai đoạn mà các môn điền kinh, bơi, thể dục, bắn súng và cử tạ của TTVN không chỉ có thành tích nổi bật, mà còn sở hữu nhiều VĐV có đẳng cấp thế giới.

Ở các kỳ đại hội thể thao khu vực tiếp theo, tỷ lệ này giảm dần với 84,48% tại SEA Games 29, 72,4% tại SEA Games 30, 58,04% tại SEA Games 31 và 35,29% tại SEA Games 32. Sự sụt giảm này do cơ cấu, chương trình thi đấu của SEA Games biến động, TTVN vẫn có vị trí trong Top 3, thậm chí 2 lần dẫn đầu khu vực tại SEA Games 31 và 32 nhưng vị thế ở đấu trường châu lục đi xuống (so sánh giữa ASIAD 18 với ASIAD 19) và trước đó trắng tay ở Olympic Tokyo khi thiếu cả số lượng lẫn chất lượng những VĐV mũi nhọn đủ khả năng tranh chấp huy chương. Lực lượng TTVN có nhiều nhà vô địch khu vực ở các môn Olympic nhưng thành tích không tiếp cận được với tốp giành huy chương ở các đấu trường cao hơn do phải “gồng gánh” chỉ tiêu ở đấu trường khu vực mà kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là một ví dụ điển hình.

Cua-rơ Nguyễn Thị Thật là 1 trong 3 tuyển thủ Việt Nam giành quyền tham dự Olympic Paris 2024.

Phải thức dậy để hiện thực hóa giấc mơ Olympic

TTVN có giấc mơ chinh phục Olympic nhưng điều đầu tiên cần thức dậy để biến giấc mơ thành hiện thực. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu như vậy tại Hội nghị định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030. Trước đó, ngành thể thao cũng thẳng thắn nhìn nhận, đã tới lúc cần có tư duy mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao nếu như muốn giành được thành tích tốt tại các kỳ Olympic và ASIAD trong tương lai. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh, sự phát triển của TTVN còn chậm và gặp nhiều thách thức so với các nước trong châu lục và thế giới.

Tiềm lực về tài chính, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiềm năng về con người (HLV, VĐV) của TTVN còn hạn chế và đã đến lúc cần điều chỉnh thước ngắm, xác định rõ hơn về mục tiêu cụ thể để hướng tới. Chủ đề “Nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic” đã được đặt ra trong giai đoạn đến năm 2030, kèm theo đó là mục tiêu cụ thể như giành 5-6 HCV tại ASIAD 20 năm 2026, giành 7-8 HCV tại ASIAD 21 năm 2030 và có trên 20 VĐV dự Olympic Los Angeles năm 2028. Dù vậy, mấu chốt vẫn là việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và có được giải pháp đồng bộ, hiệu quả khắc phục hạn chế từ nhiều năm qua của những người làm công tác thể thao, nếu không, rất khó tạo được sự đột phá về thành tích trên đấu trường châu lục và thế giới.

Chắc chắn còn nhiều thách thức cho TTVN trong hành trình chinh phục Olympic bởi đấu trường này luôn quy tụ những VĐV xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Nhưng việc thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra các hạn chế để khắc phục sẽ giúp TTVN có được sự ổn định và từng bước tiệm cận với đỉnh cao thành tích ở các đấu trường lớn, theo tinh thần của khẩu hiệu “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn – Cùng nhau” của phong trào Olympic thế giới. Hi vọng, ngay tại Olympic 2024, người hâm mộ sẽ cảm nhận được quyết tâm thay đổi, cũng như sự chuyển biến trong cách thức hiện thực hóa ước mơ Thế vận hội của TTVN.

TTVN cần hỗ trợ về kinh phí để theo đuổi mục tiêu tại ASIAD và Olympic

Để theo đuổi các mục tiêu về phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, bao gồm xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo chuẩn bị lực lượng tham dự các kỳ ASIAD và Olympic. Đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ… bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Ngành thể thao dự trù khoản kinh từ 800 – 850 tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2024 – 2026 và 850 – 900 tỉ đồng/nam trong các năm từ 2026 đến 2030. Khoản kinh phí này được huy động từ các nguồn gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa.

Vũ Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved