Không phải tự nhiên mà nam giới luôn là những doanh nhân thành công nhất.
Khác với nam giới có thể dành toàn tâm cho công việc kinh doanh, nữ doanh nhân phải cùng một lúc lo nhiều thứ, từ việc công ty đến việc gia đình, vừa phải quyết đoán lại vừa phải mềm mỏng.
Thế lưỡng nan của nữ doanh nhân
Không phải tự nhiên mà nam giới luôn là những doanh nhân thành công nhất, những chính trị gia quyền lực nhất, thậm chí là những đầu bếp, thợ làm tóc, nhà thiết kế nổi tiếng nhất – những lĩnh vực vốn dành cho phái nữ.
Một lý giải thường được đưa ra cho hiện tượng này là: “Bởi vì nam giới tập trung hơn nữ giới”. Tuy nhiên, khả năng tập trung này chưa hẳn đến từ yếu tố sinh học, mà có thể ảnh hưởng lớn từ yếu tố văn hoá và xã hội. Những kỳ vọng giới dành cho phái nữ có thể ngăn cản họ hướng tới thành công trong kinh doanh.
Nếu đàn ông có quyền làm việc 80 tiếng một tuần, không chăm lo cho gia đình, thậm chí không chăm sóc cho bản thân, xã hội sẽ nhìn vào anh ta mà nói “Đàn ông mà, phải lo việc lớn”. Nhưng có lẽ xã hội sẽ không chấp nhận một người phụ nữ làm việc 80 tiếng một tuần, để mặc con quấy khóc, không gọi điện hỏi thăm cha mẹ, thậm chí không tắm rửa chải chuốt.
Một câu hỏi từng được đưa ra bàn luận sôi nổi tại Women’s Summit 2018: “Sau lưng người đàn ông thành công là người phụ nữ âm thầm hy sinh. Vậy sau lưng người phụ nữ thành công là ai?” Một sự thật đáng buồn là không có nhiều đàn ông sẵn sàng trở thành hậu phương vững chắc cho vợ mình.
Không chỉ vậy, dưới vai trò một người lãnh đạo, những nữ doanh nhân vừa phải đảm sự quyết đoán, nhưng cũng phải thể hiện tình cảm và sự mềm mỏng. Bởi nếu sếp nam xử sự một cách lạnh lùng thì sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì. Nhưng nếu sếp nữ làm vậy, mâu thuẫn nội bộ sẽ nảy sinh.
Chưa hết, sau khi đương đầu hết mọi sóng gió trên thương trường, người phụ nữ trở về với cuộc sống thường ngày. Hẳn không có người phụ nữ nào lại muốn trở thành một con người chai sạn trong mắt mọi người. Khi nhìn những người bạn cùng tuổi vô tư tận hưởng cuộc sống, hay khi đọc một mẩu báo về sự dịu dàng của người mẹ, một người vợ làm nũng người chồng, có lẽ họ sẽ có một chút chạnh lòng vì sự gai góc của mình.
Nữ doanh nhân dường như rơi vào thế lưỡng nan. Dồn toàn tâm toàn ý cho một thứ là điều bất khả thi. Họ, bằng một cách nào đó, phải cân bằng được cả việc kinh doanh, việc gia đình, và cả thời gian cho bản thân.
Một chiến lược để cân bằng
Bài toán cân bằng là thứ ai cũng nói, nhưng không phải ai cũng làm được. Ngay từ đầu, xác định thế nào là cân bằng vốn cũng là một câu chuyện đầy khó khăn.
Theo một nghiên cứu năm 2015, các vai trò của người phụ nữ trong gia đình có thể chia thành 6 lĩnh vực: Công việc nhà, Chăm sóc con, Làm mẹ (dạy dỗ và yêu thương con), Làm vợ, Chăm sóc cha mẹ già, Các mối quan hệ của gia đình.
Những phương thức lập thời gian biểu kiểu: từ 9h sáng đến 6h tối cho công việc, từ 6h tối đến 9h tối cho gia đình, và 9h đến 11h cho sở thích cá nhân – nhìn chung không mấy hiệu quả.
Khó là vậy, nhưng tại Việt Nam, số lượng nữ doanh nhân là không hề ít. Theo thống kê gần ⅓ lãnh đạo cao cấp trong các công ty Việt là phụ nữ. Thậm chí số lượng nữ doanh nhân Việt lọt Top Forbes còn nhiều hơn số lượng nam doanh nhân. Hẳn phải có cách để vượt qua được thế lưỡng nan trên.
Trước hết, phải công nhận những định kiến về giới đôi khi khiến nữ doanh nhân gặp khó khăn, nhưng cũng đôi khi lại giúp công việc kinh doanh và quản trị trở nên thuận lợi.
Theo các nghiên cứu, nhân viên ngày càng thích làm việc dưới trướng một sếp có tính cộng đồng cao. Trong vai trò người lãnh đạo, nữ giới có xu hướng tự nhiên hướng về cộng đồng, với các đặc điểm là có lòng trắc ẩn, lắng nghe và nghĩ tới lợi ích của người khác. Đây là những đặc điểm giúp xây dựng một môi trường công sở thân mật và gắn bó.
Trong vai trò là người ra quyết định, doanh nhân nữ thường thích sự chắc chắn hơn là liều lĩnh, hợp tác hơn cạnh tranh, và cũng chi tiết, cẩn thận hơn nam giới. Trong bối cảnh kinh tế biến đổi khó lường như hiện nay, thì chiến lược phòng thủ của nữ giới tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều chiến lược tấn công của nam giới. Đây là một kết luận đã được chứng minh bằng số liệu trong dịch Covid-19, khi các nước có phụ nữ lãnh đạo thì số người tử vong ít hơn hẳn.
Cuối cùng, trong vai trò người đại diện doanh nghiệp, lợi thế quyền lực mềm của phụ nữ trên bàn đàm phán là thứ không thể chối bỏ. Đây đều là những lợi thế giới mà các nữ doanh nhân có thể phát huy.
Tuy nhiên, dù sử dụng chiến thuật gì đi nữa, thì chiến lược quan trọng nhất vẫn là cân bằng. Bởi rất hiếm ai có thể sống ngược lại hoàn toàn bối cảnh văn hoá, xã hội của mình, mà vẫn có thể hạnh phúc được. Làm việc 80 tiếng một tuần để trở thành kẻ xuất sắc nhất, nhưng khi về nhà không có ai bên cạnh, cũng không có thời gian cho sở thích cá nhân hay nghệ thuật – một lối sống thế này có thể phù hợp với một số ít đàn ông “không bình thường”, nhưng có lẽ không dành cho hầu hết phụ nữ.
Hoàng Phi