Dự báo số lượng startup Kỳ lân sẽ bùng nổ trong vài năm tới, có thể 7-8 Kỳ lân vào năm 2025 và đạt con số 10 Kỳ lân vào năm 2030.
Năm 2014, VNG trở thành Kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, khi giá trị vốn hoá chạm ngưỡng 1 tỷ USD. Và phải 6 năm sau đó, Việt Nam mới bắt đầu có thêm những Kỳ lân tiếp theo như: VNLIFE, MoMo, hay mới đây là Sky Mavis.
Dấu mốc Kỳ lân không chỉ quan trọng với bản thân startup – ghi nhận sự tăng trưởng cả chất và lượng, cũng như sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, mà còn là động lực để các startup Việt Nam thế hệ tiếp theo tiến lên.
Năm 2015, thế giới có khoảng 80 Kỳ lân, thì tới cuối năm 2020 số lượng startup Kỳ lân là 569. Một năm sau đó, con số này tăng gần gấp đôi. Đáng chú ý, trong năm 2021, 621 tỷ USD vốn đầu tư đã được đổ vào các startup, cao gấp đôi so với năm 2020.
Trong đó, có nhiều công ty vượt xa “mức sàn” 1 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như công nghệ, công nghệ tài chính, dịch vụ internet…
Thông thường các kỳ lân thế hệ cũ phải mất tới 10-20 năm, riêng trường hợp của Sky Mavis đến từ Việt Nam chỉ mất hơn 3 năm.
Các chuyên gia cho rằng, số lượng Kỳ lân như hiện nay chưa thể hiện đúng tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Dự báo số lượng startup Kỳ lân sẽ bùng nổ trong vài năm tới, có thể 7-8 Kỳ lân vào năm 2025 và đạt con số 10 Kỳ lân vào năm 2030.
Thực tế, dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tổng lượng vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn đạt hơn 1,4 tỷ USD. Tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.
Xét về tốc độ tăng trưởng theo năm, Việt Nam dẫn đầu về số lượng đầu tư và đứng thứ ba về giá trị đầu tư, sau Singapore và Philippines. Tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam cũng chiếm 13% tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á.
Có nhiều startup được kỳ vọng sẽ trở thành những Kỳ lân thế hệ tiếp theo tại Việt Nam. Tiki dường như là cái tên sáng giá nhất. Sàn thương mại điện tử hàng đầu này có mức định giá tính tới tháng 12/2021 là 832 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tiki cũng vừa được Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial) đầu tư, sau khi mua lại 10% cổ phần. Tham vọng của Tiki là sớm thực hiện IPO ở Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC).
Công ty chấm điểm tín dụng Trusting Social là cái tên sáng giá tiếp theo. Startup này chuyên ứng dụng AI và Machine Learning vào việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ cá nhân hóa, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau từ nhu yếu phẩm, tài chính đến các sở thích khác của người tiêu dùng.
Bên cạnh các quỹ ngoại, Trusting Social được hậu thuẫn bởi Masan sau khi Tập đoàn này công bố khoản đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần.
Amanotes cũng là một cái tên đáng chú ý. Startup này chuyên phát triển trò chơi cho thiết bị di động, kết hợp âm nhạc với công nghệ để tạo nên những trò chơi hấp dẫn.
Hiện Amanotes sở hữu 2 tỷ lượt tải trên toàn cầu với hơn 120 triệu người dùng hằng tháng, hơn 15 triệu người dùng hằng ngày. Điều đáng nói, Amanotes chưa từng gọi vốn. Đại diện của startup này cho biết, họ kiếm tiền thông qua hiển thị quảng cáo, người dùng trả tiền mua ứng dụng.
Tiếp theo là KiotViet – startup chuyên phát triển giải pháp POS dựa trên công nghệ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam, tập trung vào 3 yếu tố: dễ dùng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
KiotViet hiện phục vụ khoảng 110.000 khách hàng là các doanh nghiệp vừa vừa nhỏ. Gần đây nhất, startup này nhận vốn 45 triệu USD trong vòng Series B từ quỹ đầu tư quốc tế KKR.
Trong lĩnh vực logistics, Giao Hàng Nhanh (GHN) nhận được nhiều kỳ vọng trở thành Kỳ lân tiếp theo. Công ty tăng trưởng với tốc độ 2 con số, duy trì bộ máy phục vụ hơn 300.000 khách hàng đang kinh doanh online và đảm bảo công ăn việc làm cho gần 15.000 nhân viên toàn quốc.
Gần đây nhất, Giao Hàng Nhanh (GHN) và AhaMove gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Temasek (Singapore). Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng một số nguồn tin thân cận cho rằng, 2 startup này có thể đã nhận được 100 triệu USD.
Theo Theleader