Việc bùng phát dịch COVID-19 tại châu Âu và phản ứng muộn màng của chính quyền các nước đang cho thấy một ‘cú sốc’ đang đến với khu vực này.
Với hơn 12.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong (tính tới hết ngày 11/3), tình hình dịch bệnh ở Italy cao hơn hẳn so với 2 điểm nóng khác trên thế giới là Iran và Hàn Quốc. Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh, chính phủ Italy đã phải tuyên bố phong tỏa cả nước cho tới ngày 3/4. 60 triệu dân Italy được yêu cầu hạn chế di chuyển và được khuyên tốt nhất nên ở nhà.
Sự quá tải này đang đè nặng hệ thống y tế của Italy. Các chuyên gia nhận định, nếu Italia hành động quá muộn, chắc chắn hệ thống y tế sẽ gặp rắc rối. Nếu không ngăn chặn sự truyền nhiễm virus một cách hiệu quả, việc y tế quá tải là không thể tránh khỏi.
Có thể thấy, hành động của các nước châu Âu đang cho thấy tình hình đã trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết. Sự hoảng loạn của thị trường tài chính vừa qua cho thấy, cuộc khủng hoảng thực sự với châu Âu có thể chỉ mới bắt đầu. Dịch bệnh có thể bùng phát và nhanh chóng trở thành khủng hoảng nhanh tới mức nào khi chính quyền các quốc gia không chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng quá chậm trễ.
Trong các văn bản và thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng ở Anh và phát ngôn mới nhất của Thủ tướng Đức Angela Merkel, các nước châu Âu như Anh và Đức không nói về việc chủ động để dịch lây lan trên diện rộng. Ngược lại, ưu tiên hàng đầu của họ là kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vừa công bố những biện pháp cứng rắn để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, ông xác định, đây là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất mà nước Pháp đã phải đối mặt trong một thế kỷ qua, đồng thời cho biết tất cả các trường học, cao đẳng và đại học sẽ phải đóng cửa, bắt đầu từ 16/3 cho đến khi có thông báo mới và ưu tiên bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh (mặc dù đã tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh được xác định) đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh ở các quốc gia này.
Quan trọng hơn cả, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã làm giảm động lực hợp tác của các quốc gia. Đức, Cộng hòa Czech và các quốc gia khác đã thắt chặt hạn chế xuất khẩu các thiết bị này để dùng trong nước thay vì thiết lập một liên minh cùng chia sẻ và phối hợp để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Chính vì vậy, việc đánh giá thấp một cuộc khủng hoảng toàn cầu, cùng với sự đấu tranh của các chính phủ trong việc phối hợp hành động trên phạm vi toàn châu lục sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng trong tương lai cũng như sự ổn định xã hội của khu vực châu Âu.
Như ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của khu vực đồng Euro tại ngân hàng Quản lý Đầu tư (ING) đánh giá, sự chậm trễ của châu Âu xuất phát phần lớn lo lắng bắt nguồn từ sự không chắc chắn: không ai biết dịch COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu hoặc bao nhiêu người sẽ thiệt mạng. Điều duy nhất có thể nói chắc chắn là tác động kinh tế là rất lớn. Hiện tại, giới đầu tư đang phải đối mặt với hai câu hỏi là tác động tiêu cực thực sự sẽ đến mức nào và nó sẽ kéo dài trong bao lâu?
Nếu dịch bệnh COVID-19 ngày càng nghiêm trọng như một số nhà kinh tế lo ngại, thì sự trợ giúp đó có thể sẽ là cần thiết khi các quốc gia nỗ lực duy trì nền kinh tế của họ phát triển. Châu Âu cần ngay lập tức chuyển hướng ưu tiên sang công tác kiểm soát dịch bệnh vì việc phản ứng chậm chạp và không nỗ lực hết sức sẽ dẫn tới một kết quả thảm họa, biến cuộc khủng hoảng y tế thành cuộc khủng hoảng chính trị xã hội. Và một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ tới nước Mỹ và các nước khác nếu họ không rút ra bài học từ châu Âu.