Theo Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản trong quý III năm nay gần 17.000 sản phẩm, tăng hơn 250 căn hơn so với quý II.
Bộ Xây dựng cho biết, số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho thấy lượng tồn kho bất động sản trong quý III năm nay gần 17.000 sản phẩm bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (tăng hơn 250 căn so với quý II). Trong đó, chung cư tồn kho gần 3.200 căn; nhà ở riêng lẻ hơn 6.500 căn; đất nền hơn 7.200 nền.
Trong khi đó, dựa trên báo cáo tài chính quý III vừa được công bố, một số doanh nghiệp niêm yết cũng đang trong tình trạng tồn kho trên 50%. Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đến 30/9, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này là 16.800 tỷ, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2022 (14.800 tỷ). Lượng hàng tồn kho chiếm 60% giá trị tổng tài sản.
Trước đó, theo số liệu công bố hồi quý II, 10 doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn ghi nhận tổng hơn 297.000 tỉ đồng. Như Novaland giá trị tồn kho của đơn vị này là 139.000 tỷ đồng, hay tập đoàn Đất Xanh ghi nhận giá trị tồn kho là 14.788 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vẫn chìm trong cảnh “chết trên đống tiền”, khi cạn dòng tiền dù có lượng hàng tồn kho lớn. Tồn kho ở đây gồm cả dự án đã hình thành cùng các dự án đang thi công dở nhưng phải tạm dừng bởi không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đã liên tục tung ưu đãi để tăng thanh khoản, song toàn thị trường vẫn trầm lắng đà giảm giá chưa có dấu hiệu dừng lại, người mua vẫn đứng ngoài chờ bắt đáy.
Một nguyên nhân khác với các dự án đang dang dở là phải tạm dừng bởi không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai. Nhiều dự án mới ở khâu giải phóng mặt bằng, chưa đi vào giai đoạn triển khai xây dựng. Với các dự án này, chủ đầu tư có thể huy động tiền từ 2 nguồn là vốn chủ sở hữu (từ thị trường cổ phiếu) và vay ngân hàng.
Theo bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thanh khoản thị trường bất động sản trong Q2 vẫn trầm lắng, cần tiếp tục quan sát diễn biến mới trong nửa cuối năm nam. Đặc biệt, Chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách tích cực để giải quyết vướng mắc và thúc đẩy thị trường địa ốc.
Đồng thời, việc đầu tư hạ tầng cũng đang được thực hiện mạnh, điều này có thể làm tăng sự hứng thú của các tổ chức đầu tư toàn cầu tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026. Bà Trang Bùi cho rằng đây là thời điểm “sáng” cho thị trường và bước vào một chu kỳ tăng giá mới.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, điều mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đang trông chờ nhất là sự điều chỉnh các chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản cũng như việc giải quyết các khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý cho các dự án.
“Để khôi phục động lực đầu tư vào các dự án, giải quyết các vấn đề cung – cầu trên thị trường và giảm thiểu việc gia tăng tồn kho bất động sản cần đưa ra những sửa đổi thích hợp đối với Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật liên quan khác” – ông Châu nhấn mạnh.
Tín dụng bất động sản trong 5 tháng đầu năm âm cho thấy nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư. |
Diệu Hoa