Vì sao giá dầu thô xuống mức âm?

Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào các hoạt động kinh tế trên toàn cầu và làm giảm thiểu các nhu cầu về dầu thô. Mặc dù, OPEC và các đồng minh sản xuất dầu đã hoàn tất thỏa thuận lịch sử hồi đầu tháng này để cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày kể từ ngày 1/5.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở cung và cầu. Mức giá âm của dầu hôm nay còn liên quan đến các yếu tố kỹ thuật cũng như hợp đồng tương lai dầu thô.

Một cần trục bơm dầu thô từ mặt đất gần Lending, Texas ở Hoa Kỳ vào ngày 20/4/2020

Hợp đồng tương lai dầu thô được gắn với một ngày giao hàng cụ thể. Đến cuối ngày hết hạn hợp đồng, giá  thường hội tụ với giá dầu thực tế vì những người mua cuối cùng của các hợp đồng này thường là các đơn vị như nhà máy lọc dầu hoặc các hãng hàng không.

Tháng 5 này, các hãng hàng không vẫn còn đang “ngồi chơi xơi nước” và sống nhờ trợ cấp còn các nhà máy lọc dầu đang phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm sản lượng do nhu cầu thực tế không còn bao nhiêu.

Với tình hình diễn biến cực kỳ phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, rất có thể còn kéo dài trong nhiều tháng nữa, kéo theo đó là một loại các sụt giảm nhu cầu thực tế về dầu. Điều này tác động sâu và rộng đến thị trường dầu mỏ trong tháng 5 tới.

Nhà máy lọc dầu LyondellBasell-Houston ở Houston, Texas

Hợp đồng tương lai dầu thô WTI đã giảm hơn 100% vào thứ hai là dành cho hợp đồng giao hàng tháng 5 và hết hạn vào thứ ba. Nhu cầu giảm chưa từng có cộng thêm đó là việc các bể chứa dầu dự trữ của Mỹ đã được lấp đầy. Đó là lý do tại sao giá dầu “chạm đáy” và các nhà sản xuất phải trả tiền để “bán” loại dầu này đi trong bối cảnh “không người cần”.

Chính bởi vậy, hợp đồng tương lai dầu thô WTI (một loại dầu thô được sử dụng làm mức chuẩn trong giá dầu) cho tháng 5/2020 được giao dịch ở mức dưới 0 tại sàn giao dịch chứng khoán ICE của London, đạt mức thấp nhất – 40,32 USD/thùng.

Hợp đồng tương lai WTI cho tháng 6 giảm xuống còn 20,85 USD/thùng (-16,7%), dầu Brent xuống 25,86 USD/thùng (-7,9%). Giá dầu thô Brent và WTI giao dịch trên 65 USD/thùng gần đây nhất là vào tháng 1.

Giá dầu của Mỹ đã tăng trở lại trên mức 0 vào ngày 21/4, một ngày sau khi hợp đồng tương lai dầu thô ở mức âm

Hợp đồng tương lai dầu thô là gì?

Về lý thuyết, hợp đồng tương lai là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng được chuẩn hóa với giá thỏa thuận của ngày hôm nay nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai.

Có một câu chuyện kể rằng, Thales, một triết gia nghèo ở vùng Miletus, một thành phố của Hy Lạp cổ đại, người đã phát triển một “công cụ tài chính” mà sau này được áp dụng vào các lý thuyết tài chính thời hiện đại.

Thời điểm đó, Thales sử dụng kỹ năng “thần cơ diệu toán” của mình để dự đoán rằng vụ thu hoạch ô liu vào mùa thu năm sau sẽ bội thu. Tự tin với khả năng phán đoán, Thales đã làm một thỏa thuận với người chủ sở hữu máy ép ô liu để đảm bảo rằng ông sẽ được độc quyền sử dụng những máy móc đó khi bắt đầu vụ thu hoạch.

Thales thành công khi đàm phán với mức giá thấp bởi vì vẫn chưa đến vụ thu hoạch và không ai biết vụ thu hoạch đó có tốt hay không, hơn nữa chủ sở hữu máy ép ô liu cũng muốn giảm rủi ro đối với một vụ mùa thất bát. Khi đến vụ thu hoạch, ngay lập tức rất nhiều người cùng lúc cần đến máy ép, ông đã cho thuê với bất cứ mức giá nào mà ông thích và thu được rất nhiều tiền.

Sau đại dịch COVID-19, ai sẽ quyết định giá?

Bức tranh toàn cảnh thị trường dầu mỏ hiện này đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết do những tác động khủng khiếp từ đại dịch COVID-19. Những suy thoái mang tính chất toàn cầu đang ảnh hưởng đến nhiều mặt trong xã hội.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các hợp đồng tương lai phía sau có giá cao hơn, dài hạn hơn cho thấy dấu hiệu của thị trường dầu mỏ sẽ khởi sắc trong thời gian tới là điều đang được kỳ vọng. Có thể những biến động trong thị trường dầu mỏ sẽ còn nhiều bấp bênh nhưng “tương lai” sẽ là những gì người ta bám víu.

Mặc dù, vấn đề thực sự của việc mất cân đối cung cầu đã bắt đầu thể hiện trên giá cả, sau khi sản xuất tiếp tục tương đối bình thường, các kho chứa dầu của các nước vẫn đang lấp đầy từng ngày.

Trong số 3 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Nga có năng lực tích trữ dầu mỏ ít nhất, chỉ khoảng 8 ngày, Saudi Arabia có dung tích trữ dầu mỏ lên tới 18 ngày và Mỹ là 30 ngày. Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, quốc gia này vừa qua đã mua vào khoảng 2,5 triệu thùng/ngày cho kho tích trữ trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua.

Sau đại dịch COVID-19, cùng với sự sụt giảm về số lượng giàn khoan dầu của Hoa Kỳ do phá sản hoặc ngừng hoạt động và dự kiến cắt giảm số lượng “chưa từng thấy” lên tới 9,7 triệu thùng/ngày của các thành viên OPEC+ lượng cung dầu sẽ cân bằng với nhu cầu thực tế, từ đó giá dầu dự kiến sẽ đột phá trở lại.