Thời điểm đại dịch như hiện nay đã đặt doanh nghiệp khởi nghiệp vào tình thế buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh nếu muốn tồn tại.
Theo chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) – ông Trương Thanh Hùng, đồng sáng lập FINNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia –VSMA, đây là thời điểm doanh nghiệp khởi nghiệp nên thay đổi mục tiêu từ tăng trưởng sang sống sót.
Mục tiêu giờ là sống sót
Ông Trương Thanh Hùng nhấn mạnh: “Mặc dù đang là thời điểm giãn cách nhưng từ bây giờ doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình một hành trình hướng đến giai đoạn phía trước. Chỉ cần có mục tiêu, định hướng hành động thì trí tuệ có thể hồi sinh”.
Thời điểm giãn cách, hoạt động doanh nghiệp chỉ có thể duy trì ở mức 50% so với trước thì đây là lúc doanh nghiệp củng cố lại hệ thống quản trị nội bộ: xem lại qui trình tuyển dụng, bảng mô tả cụ thể công việc cho nhân viên, sự phối kết hợp về hoạt động giữa nội bộ và phòng ban với nhau.
Việc củng cố năng lực đội nhóm cũng cần thắt chặt tại thời điểm này, các nhân sự sẽ hỗ trợ được gì cho các nhà sáng lập. Ngược lại, nhà sáng lập hãy chia sẻ những kinh nghiệm làm việc đội nhóm, duy trì sự gắn kết với các thành viên trong nhóm. Mục tiêu để mọi người biết mình đang đang cống hiến chứ không phải mình trở nên vô dụng trong thời điểm Covid. Nếu doanh nghiệp đang trả lượng, gặp khó khăn thì hãy trao đổi thẳng thắn với đội nhóm, thông báo lộ trình cắt giảm lương rõ ràng để nhân sự biết trước… hãy ứng dụng quản trị liêm chính, công khai minh bạch về doanh số, lương thưởng theo một lộ trình để nhân sự yên tâm.
Cũng theo chuyên gia Trương Thanh Hùng, thời điểm này không mải mê đi tìm khách hàng mới mà hãy quay lại chăm sóc khách hàng cũ vì mỗi lần khách hàng cũ mua hàng sẽ được xem là một khách hàng mới. Hoạt động truyền thông cũng cần được đẩy mạnh, nhưng không phải bán hàng ngay lập tức mà là tăng độ phủ, niềm tin với khách hàng. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp vì họ chỉ tập trung bán hàng, còn truyền thông và marketing đang bỏ bê.
05 điểm nhấn để thay đổi
Thực tế, cũng có doanh nghiệp không những sống sót mà hoạt động hiệu quả khi đã nhạy bén trong việc thay đổi mô hình kinh doanh như chuyển đổi khách sạn nghỉ dưỡng thành nơi lưu trú F0, kinh doanh phần mềm bán hàng online… Theo chuyên gia khởi nghiệp ĐMST, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia – VSMA, mô hình kinh doanh BMC có 9 cấu phần, nếu chỉ cần thay đổi một cấu phần thì cũng sẽ ảnh hưởng chung. Ông Trung đã đưa ra 5 điểm nhấn nổi bật khi thay đổi mô hình kinh doanh.
Thứ nhất, mục tiêu tồn tại: doanh nghiệp đặt mục tiêu tồn tại thì nên giảm thiếu tối đa chi phí rủi ro, cắt giảm những loại chi phí không cần thiết.
Thứ hai, điểm dừng: thời điểm ta dừng lại, nhìn lại chính mình, hãy tận dụng thời cơ này để đào tạo nội bộ, bổ sung và chia sẻ kiến thức mới cho nhau.
Thứ ba, chăm sóc khách hàng: nếu trước đây luôn đặt mục tiêu phát triển các khách hàng mới, mà bỏ qua khách hàng cũ thì giờ là thời điểm để ta dừng lại và chăm sóc khách hàng, giúp dự án mở rộng nhiều hướng khác nhau.
Thứ tư, bán hàng online: thói quen của người tiêu dùng thay đổi, online đang là xu hướng mà chúng ta phải theo, hãy tận dụng hình thức online để thay đổi kênh và hình thức bán hàng truyền thống.
Thứ năm, phát triển sản phẩm sau đại dịch: đại dịch rồi sẽ qua đi, khi quay trở lại, một số ngành dịch vụ thiết yếu sẽ còn phát triển mạnh? Nếu ta đang bán cho khách hàng ở sau dịch thì cân nhắc có nên thay đổi các sản phẩm của mình.
Thanh Hương