Việt Nam trở thành nước tiên phong trong ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo và khu vực tư nhân có đóng góp quan trọng vào hệ thống năng lượng bền vững.
Ông Philipp Munzinger – Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ (Đức) nhấn mạnh: trong những năm qua, Việt Nam gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế không chỉ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn từ việc mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng, cùng nhiều biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Trong sự phát triển ấn tượng đó, ông Philipp Munzinger đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân với những đóng góp vào hệ thống năng lượng bền vững ở Việt Nam thời gian qua và trong tương lai, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực năng lượng tái tạo trong cấp điện.
Với cơ cấu hiện nay: thủy điện, điện mặt trời, điện gió đóng góp tới 50% năng lực sản xuất được lắp đặt, Việt Nam đang từng bước trở thành quốc gia có nguồn điện độc lập và đa dạng. Đây là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, sẵn sàng dành nguồn lực lớn để hợp tác phát triển.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác này đang gặp một số rào cản. Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ nhắc đến việc mở rộng điện mặt trời, điện gió gặp khó khăn do mạng lưới điện chưa phát triển, chưa được phân cấp tương ứng và chưa được tự động hóa. Giải quyết vướng mắc này là nhiệm vụ cấp bách cho những năm sắp tới để phát lên lưới nguồn điện được tạo ra từ năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió.
Ông Philipp Munzinger phân tích, nguồn lực ở Việt Nam chưa cho phép thúc đẩy các mạng lưới điện có thể tự động hóa và tối ưu hóa, cần các nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ, hỗ trợ từ nước ngoài. Để có thể bước sang nguồn năng lượng sạch hơn, mới hơn, Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ cho rằng, cần thay đổi về quy chế, bằng nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp FDI tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện để phát triển điện gió, điện mặt trời. Trong đó, nguồn vốn tài chính quốc tế có thể tạo nền tảng đầu tư cho tư nhân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mức giá điện mặt trời và điện gió, theo ông Philipp Munzinger cần được cân nhắc cẩn thận, kỹ lưỡng. Không chỉ Việt Nam mà ngay tại Đức cách đây hơn 10 năm đã có những chính sách chưa thỏa đáng về giá điện, đôi khi biến động quá bất thường, khiến cho mạng lưới điện không được ổn định.
Từ những bài học kinh nghiệm này, ông Philipp Munzinger cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách lâu dài hơn, phương án tính giá điện hài hòa, cân đối làm nền tảng cho công nghệ năng lượng thay thế phát triển.
Khẳng định nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung nhìn nhận Việt Nam như là một đối tác tiềm năng trong tương lai, Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ đề xuất Việt Nam duy trì môi trường chính sách ổn định, phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các dự án thuộc lĩnh vực điện mặt trời, điện gió hay các dự án năng lượng bền vững, năng lượng mới.
Các quốc gia tiên tiến trên thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới kinh tế xanh để giữ môi trường xanh; tức là sản xuất dựa nhiều hơn vào các nguồn điện sạch để đáp ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu, đảm bảo tác động về khí thải Carbon theo chuẩn mới. Do đó, không chỉ phát triển mạng lưới điện, điện mặt trời, điện gió mà cả các khoáng sản, khoáng chất khác thay thế cho than đá, dầu lửa.
Ông Philipp Munzinger khuyến nghị, ngay từ bây giờ Việt Nam cần xem xét, tính toán trước những khoáng sản thay thế đó để lựa chọn địa điểm khai thác cũng như cách thức tiếp cận.
Hạnh Lê