Sau TP.HCM, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tiến hành định hướng nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố” tại Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Hòa Lạc.
Theo nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cứ có dân số đạt 150.000 người, diện tích 200km2 là được thành lập “thành phố trong thành phố”. Bên cạnh đó tổng số phường phải nhiều hơn xã, từ 65% và có một đô thị ít nhất đã được công nhận loại 3 trở lên.
Kinh nghiệm thế giới
Hiến pháp năm 1992 quy định thành phố trực thuộc trung ương chỉ có quận, huyện, thị xã. Đến Hiến pháp năm 2013 thì thêm thị xã và đơn vị hành chính tương đương như một bước tiến rất mới, cho phép nghiên cứu mở hơn “thành phố trong thành phố”. Từ đó Luật tổ chức chính quyền địa phương mới cho phép thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Thành phố Thủ Đức là thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Ngoài ra muốn lên thành phố thì khu vực đó phải có khả năng đô thị hóa cao, tiềm năng hạ tầng kỹ thuật, có khả năng “tự sống” tốt, thu hút đầu tư so với các quận, huyện. Và để “thành phố trong thành phố” phát triển phải có bộ máy hành chính năng động.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của “thành phố trong thành phố” đã xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới, tuy không nhiều nhưng đã củng cố thêm những tín hiệu tích cực cho việc nghiên cứu áp dụng mô hình này tại Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là dự án quy hoạch khu Phố Đông, Thượng Hải từ nhiều năm trước. Phố Đông có thể hiểu là một thành phố trong thành phố, như việc thành lập Thành phố Thủ Đức trong TP. HCM bây giờ.
Thời điểm đó, chính quyền trung ương Trung Quốc rất quan tâm đến dự án Phố Đông vì muốn có thêm các Hong Kong nữa trong nội địa và bởi Thượng Hải trong lịch sử đã từng là một cửa ngõ giao thương quốc tế.
Chỉ trong vòng 15 năm quy hoạch, Phố Đông đã trở thành một trung tâm kinh tế mới của châu Á. Và cũng chỉ 15 năm, dự án đã đóng góp ngược trở lại cho ngân sách, đã có tiền nộp về trung ương. Cho tới hôm nay, Phố Đông vẫn là một mô hình thành công đáng học hỏi.
Cần cơ chế đột phá
Theo số liệu từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đạt trên 40%, cao nhất Đông Nam Á nhưng chất lượng đô thị, chất lượng quy hoạch đô thị chưa tốt nên cần thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố” tại Hà Nội.
Việc nâng cấp các quận huyện lên thành phố trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cần đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa lên trên hết thay vì chỉ chú trọng vào cái tên.
Đối với Hà Nội, khi đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô cần có cách tiếp cận đồng bộ từ các chỉ tiêu để công nhận, với giải pháp có tính thực tiễn cao. Phải xác định mô hình phát triển bao trùm, chủ đạo là đô thị hóa còn tên gọi thì đã có quy định, tiêu chí cụ thể. Trong câu chuyện này, Hà Nội phải có sự quyết tâm và kết nối giữa các sở ban ngành chứ không phải mạnh ai nấy làm, lợi ích ngành, lợi ích nhóm, tránh việc trở thành nguồn cơn gây ra sốt đất.
Có thể thấy, thời gian qua TP.HCM đã triển khai mô hình này, song TP. Thủ Đức có tính đặc thù là đô thị đã có quá trình phát triển. Sau 1 năm thực hiện các Nghị quyết, TP Thủ Đức đã hình thành, hoạt động, từng bước đi vào ổn định.
Xét cho cùng, bản chất của việc phát triển đô thị là giúp cho hạ tầng đồng bộ, đi lên chứ không phải là cái tên gọi là thành phố hay quận huyện, đó chỉ là tên gọi thông thường chứ không phải là cái thể hiện cấp độ đô thị. Vì vậy, nếu không tạo được cơ chế đột phá và những bước đi thức thời, liệu mô hình “thành phố trong thành phố” tại Hà Nội có khả thi hay chỉ là “bình mới, rượu cũ”?
Phạm Hằng