247275887_1073722110067052_7543011004286874816_n

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021

Sáng nay (2/11), Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021 đã khai mạc với sự tham dự của trên 10.000 đại biểu. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á-Châu Đại Dương (ASOCIO) đồng tổ chức, sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 2 – 6/11/2021. Hội nghị được tổ chức 100% trực tuyến và sẽ có các điểm cầu riêng tại các tỉnh, thành phố và các quốc gia khu vực quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021, Chủ tịch Asocio David Wong cho biết, ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố. Đến năm 2050, gần bảy trong số mười người sẽ sống ở các thành phố. Dấu chân của các thành phố trên trái đất chỉ là 2%.

Tuy nhiên, các thành phố chiếm hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu và 60 đến 80% năng lượng tiêu thụ. Đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra thêm những thách thức như bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm nguồn nước và các vấn đề sức khỏe liên quan.

“Hội nghị thượng đỉnh hôm nay tập trung vào các thành phố thông minh và nó rất phù hợp với nhiều sự phát triển toàn cầu sau COVID-19. Làm thế nào các thành phố có thể kiên cường hơn để chống lại một đại dịch khác?”, Chủ tịch Asocio cho biết.

249844221_615525319631132_848283784193296507_n

Chủ tịch Asocio David Wong.

Tại hội nghị ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa và cho phép đạt được các mục tiêu bao gồm: thứ nhất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thứ hai, quản lý đô thị tinh gọn; thứ ba, bảo vệ môi trường hiệu quả; thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; thứ năm, cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện và cuối cùng tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung và đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước. Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu, tuy nhiên, theo Thứ trưởng đây vẫn là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi chúng ta liên tục phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.

Ông cũng chỉ ra ví dụ về đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, những thành phố từng được coi là thông minh nhất nhưng gần như đã bất lực, không thể bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. “Đại dịch đã cho ta bài học đắt giá nhưng cũng vô cùng quý giá để chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và định hướng triển khai trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận.

250571261_435541451318047_915223754819847553_n

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ trưởng đánh giá Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam – ASOCIO 2021 là cơ hội rất lớn để các cơ quan quản lý, các chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế cùng chia sẻ, thảo luận, cập nhật những xu hướng, kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh. Các ý kiến chia sẻ, trao đổi, thảo luận tại Hội nghị sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia thành viên ASOCIO nói chung có thêm kiến thức và động lực để cùng chung tay xây dựng các thành phố thông minh thực sự bền vững, có sức chống chịu cao, linh hoạt, dễ thích ứng và phản ứng nhanh trước những tác động môi trường và xã hội, qua đó giúp các quốc gia đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

“Tôi hy vọng rằng Hội nghị cũng là cơ hội để giúp chúng ta tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong phát triển thành phố thông minh”, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường thành phố thông minh trên toàn cầu đạt xấp xỉ 739,78 tỉ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc 2036,10 tỉ USD vào cuối năm 2026, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) được dự kiến đạt mức trung bình 18,22%. Thị trường Bắc Mĩ đang là nơi phát triển mạnh mẽ nhất, chiếm tỉ trọng 30%, theo sau là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số.

Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp. Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950).

Hiện cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh, trong đó có những cái tên nổi bật như Thành phố Đà Nẵng với chương trình Kiến trúc tổng thể với 16 lĩnh vực chuyên ngành với 6 trụ cột được ban hành năm 2018; Thành phố Bình Dương với thành tích hai năm liên tiếp được bình chọn trong danh sách địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), hay Thừa Thiên – Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong lộ trình hướng đến phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử.

Việt Nam mang trong mình nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hạ tầng giao thông và đô thị của Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã được đầu tư khá nhiều nhưng so với các nước trong khu vực vẫn chưa xứng tầm quy mô, vẫn cần thêm nhiều sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ, năng lực từ các bộ ban ngành. Bên cạnh đó, việc học hỏi áp dụng các công nghệ trụ cột mới như Trí tuệ nhân tạo (Al), Internet vạn vật (IoT), Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ mạng 5G… cũng cần được đẩy mạnh, nhưng với nền kinh tế đang phát triển và cơ cấu dân số trẻ và lực lượng kỹ sư công nghệ tài năng,

Đại dịch COVID-19 kéo dài trong hai năm gần đây đã gây khó khăn và ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành kinh tế Việt Nam nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp phát huy năng lực, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. Đặc biệt là cơ hội để chính quyền các tỉnh, thành phố nhìn nhận lại các vấn đề, đưa ra các bài toán, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến và khoa học đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực đô thị thông minh để có thể vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, phục hồi và phát triển. Đại dịch cũng là dịp để nhìn nhận các hướng đi và phát triển đô thị trong tương lai cũng như khẳng định giải pháp thành phố thông minh là một lựa chọn phù hợp để kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng, phồn mạnh.

Nguyễn Long