Thanh khoản của hệ thống đã bớt dồi dào hơn, thậm chí có dấu hiệu căng thẳng cục bộ ở một số ngân hàng, buộc NHNN chuyển sang bơm ròng tiền vào hệ thống.
Thanh khoản lại căng
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn trong trạng thái dư thừa khá lớn kể từ sau Tết Nguyên đán một phần cũng nhờ lượng tiền lớn mà NHNN bơm ra khi tiếp tục mua vào ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại tệ. Trong bối cảnh thanh khoản dư thừa lớn, để không tạo áp lực đến lạm phát, thời gian này NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về. Tính đến cuối tháng 3, số dư tín phiếu đang lưu hành lên tới 147 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 4 thanh khoản của hệ thống đã có dấu hiệu căng trở lại đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục. Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 30/3 đến 3/4 của SSI Research cho thấy, lãi suất cho vay qua đêm tăng tới 114 điểm cơ bản so với tuần trước đó và chốt tuần ở mức 3,32%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng 117 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 3,44%/năm. Chênh lệch lãi suất VND-USD vì thế được nới rộng lên 2,2-2,4%/năm.
Hệ quả là trong tuần này, NHNN đã phải tái khởi động công cụ thị trường mở (OMO) sau một thời gian khá dài tạm dừng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống với lượng bơm ròng qua công cụ này là 20.836 tỷ đồng. Động thái bơm ròng của NHNN vẫn tiếp tục trong tuần 6/4 đến 10/4 cho dù lượng bơm ròng có thấp hơn, chỉ là 4.656 tỷ đồng, nâng số dư OMO lên 25.493 tỷ đồng. Động thái hỗ trợ thanh khoản kịp thời của NHNN đã giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trở lại.
Một bằng chứng nữa cũng cho thấy thanh khoản của hệ thống không còn dồi dào như trước đó là các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong thời gian này liên tục ế ẩm. Đơn cử phiên ngày 25/3, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 3.000 tỷ đồng nhưng chỉ huy động được có 301 tỷ đồng, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 10%. Thậm chí phiên ngày 1/4, Kho bạc Nhà nước còn không huy động được đồng nào trong số 3.000 tỷ đồng gọi thầu. Phiên ngày 8/4 cũng chỉ huy động được 32 tỷ đồng trong tổng số 3.000 tỷ đồng gọi thầu.
“Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng bớt dồi dào, đặc biệt trong những ngày cuối tuần từ 30/3- 3/4 do nhu cầu tiền đồng để đảm bảo dữ trữ bắt buộc đầu tháng 4”, SSI Ressearcho nhận định.
Tín hiệu xấu?
Đồng tình với nhận định này của SSI, song một chuyên gia ngân hàng bổ sung, thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào hơn một phần cũng bởi tín dụng tăng trưởng khá tốt trong tháng 3 vừa qua sau khi các ngân hàng giảm mạnh lãi suất.
Quả vậy phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 3 tín dụng tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Đây là một con số hết sức ấn tượng khi mà tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn đang ở mức âm.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn trong thời gian này chỉ tăng có 0,51%, thấp hơn so với cả mức tăng tín dụng 0,68% mà cơ quan này đưa ra. Huy động vốn không theo kịp được với đà tăng của tín dụng đã ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản của các nhà băng.
Không chỉ vậy, theo vị chuyên gia nói trên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản khi mà dòng tiền từ các khoản nợ này không quay lại với các nhà băng. “Điều đó không chỉ đẩy các ngân hàng đứng trước rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn mà về bản chất đó là những khoản nợ quá hạn, thậm chí là nợ xấu”, vị chuyên gia trên cảnh báo.
Điều vị chuyên gia này lo ngại là diễn biến này có thể cản trở tới việc giảm lãi suất huy động, qua đó khiến các ngân hàng khó giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Trên thực tế, huy động vốn những tháng đầu năm nay tăng khá thấp cho thấy dòng vốn chưa quay trở lại ngân hàng sau Tết như thông lệ hàng năm. Điều đó khiến các ngân hàng không dám giảm mạnh lãi suất huy động. Theo đó, hiện lãi suất huy động chủ yếu giảm ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, trong khi các kỳ hạn trên 6 tháng vẫn neo ở mức khá cao. Thậm chí, mức lãi suất 8%/năm vẫn được không ít ngân hàng sử dụng để lôi kéo người gửi tiền. Một khi khi lãi suất huy động chưa giảm, lãi suất cho vay cũng khó giảm sâu bởi NIM của các ngân hàng đang ở mức rất thấp.
“Trong bối cảnh đó, rất cần vai trò của NHNN như động thái bơm tiền trong tuần vừa qua để hỗ trợ nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng giảm sâu lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp trong cơn đại dịch COVID-19”, vị chuyên gia này khuyến nghị.