Thông về tư tưởng thì đến ngàn năm bị đô hộ cũng vượt qua, chứ không chỉ những khủng hoảng hay khó khăn nhất thời như đại dịch COVID-19.

nguyen-van-dang

Việt Nam đang rất cần những luận giải mới về tư tưởng – yếu tố có thể truyền cảm hứng, khích lệ khát vọng và hành động tập thể vì quốc gia thịnh vượng và hùng cường.

Từ hành chính công đến quản trị công mới

Định hướng xã hội chủ nghĩa coi trọng vai trò trung tâm của nhà nước và cho phép sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Quan điểm này dễ được chấp nhận không chỉ bởi các nguyên tắc lý luận nền tảng của chủ nghĩa Marx – Lê nin, mà còn bởi truyền thống đề cao vai trò của nhà nước, đặc biệt là hệ thống hành chính, trong lịch sử chính trị – văn hóa – và xã hội Việt Nam.

Từ những năm 1980s, tư duy quản lý công mới đề cao việc áp dụng các nguyên tắc và kỹ năng quản lý của khu vực tư nhân vào khu vực công. Ưu điểm của mô hình quản lý công mới chính là hiệu lực, hiệu quả và khả năng đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, quan điểm quản lý công mới cũng bị phê phán vì quá nhấn mạnh những yếu tố như lợi ích, lợi nhuận, hay sự hài lòng của cá nhân.

Xu hướng vận động của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để kiến tạo một cộng đồng phát triển bền vững thì không thể coi nhẹ vai trò trung tâm của chính quyền/nhà nước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự hợp tác giữa chính quyền và các chủ thể tư nhân, chủ thể cộng đồng, và cá nhân công dân. Thực tế này dẫn đến sự xuất hiện của mô hình “quản trị công mới”, với có 4 đặc điểm:

Một là tính chất lai ghép. Hệ thống quản trị tích hợp các hệ thống hành chính với các cơ chế thị trường và các tổ chức phi lợi nhuận. Các hình thức quy định và nguyên tắc quan hệ mới sẽ thu hẹp và làm mờ đi ranh giới giữa nhà nước và xã hội.

Hai là hoạt động quản trị có tính liên quốc gia và đa thẩm quyền. Các khuôn mẫu, mô thức quản trị bao gồm các thể chế và con người ở tất cả các cấp độ chính quyền cũng như các lĩnh vực chính sách khác nhau và không bị giới hạn bởi biên giới lãnh thổ địa phương hay quốc gia.

Ba là sự đa dạng của các chủ thể tham gia vào quá trình ra quyết định tập thể. Không chỉ các lợi ích công mà lợi ích của các tổ chức ngoài nhà nước và cá nhân cũng có vai trò ngày càng chủ động và tích cực trong quy trình chính sách.

Bốn là mối quan hệ đối tác và hợp tác dựa trên các mạng lưới kết nối các chủ thể.

Quản lý hay quản trị?

Đặc điểm then chốt về xu hướng quản trị công mới hiện nay là sự tham gia của các chủ thể đa dạng: tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận, các định chế khu vực và quốc tế, cũng như vai trò ngày càng tích cực và chủ động của mỗi công dân. Thay vì mô hình quản lý hành chính theo trật tự thứ bậc truyền thống, mối quan hệ giữa các chủ thể quản trị trong thế giới đương đại đang chuyển dần sang dạng thức quan hệ theo chiều ngang, mang tính chất đối tác, hợp tác, và bình đẳng hơn. Những mong đợi lợi ích và quan điểm giải quyết vấn đề của các chủ thể quản trị có vai trò quan trọng đối với quy trình quản lý xã hội. Các chính sách có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi lợi ích của các chủ thể chứ không phải chỉ lợi ích công. Bởi thế, sự hợp tác giữa các chủ thể đa dạng là nhu cầu tất yếu để có thể hiện thực hóa các mục tiêu XHCN. Đó là mô hình quản trị hướng đến thỏa mãn các mong đợi của số đông người dân. Trong tiến trình này, các chủ thể doanh nghiệp tư nhân sẽ chiếm lĩnh vai trò và vị trí ngày càng quan trọng.

Cũng bởi thế, cơ chế và công cụ chính sách cần được điều chỉnh theo hướng giảm dần mức độ can dự trực tiếp của chính quyền. Thay vào đó, chính quyền sẽ đảm nhiệm vai trò xác định và bảo vệ các giá trị chung, điều phối sự khác biệt và kiến tạo các điều kiện thể chế để bảo đảm các cam kết tập thể sẽ được thực thi.