Tháng 1 là thời điểm trước Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch tăng so với tháng trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21.
Theo phóng viên, ước tính của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê ước tính tháng 1 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1 có sáu mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều nhập khẩu, ước tính tháng 1 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1 có bốn mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Theo báo cáo, tháng vừa qua có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 50,2%.
Nhóm mặt hàng tiếp theo là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, giày dép đạt 1,8 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%. Thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%. Thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%.
Về nhập khẩu, trong tháng đầu năm có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng với 4,1 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD và vải đạt 1,2 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,3%. Thị trường ASEAN đạt 3,4 tỷ USD, tăng 63,3%.
Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác… khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn.
“Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành của Việt Nam để trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Phương Nhi