Lần nào về Nghệ An thăm quê Bác, tôi cũng bâng khuâng bên hồ sen, trên con đường, lũy tre, mái tranh đơn sơ – nơi từng lưu dấu chân người.
Bao lần tôi đứng lặng nghe tiếng thuyết minh ngọt ngào, sâu lắng đến da diết với chất giọng của con gái xứ Nghệ, mà nước mắt cứ chực trào tuôn. Này đây chiếc chõng tre màu nâu mộc mạc cụ Nguyễn Sinh Sắc nằm nghỉ. Này đây khung cửi, đêm sáng trăng nào cụ bà Hoàng Thị Loan cặm cụi dệt vải nuôi chồng ăn học. Gốc mít già nơi Bác chơi cùng anh Khiêm, chị Thanh thủa bé. Tuổi thơ bình dị của Bác được cô hướng dẫn viên kể lại từ cảnh quan thực tế. Cái lò rèn của cụ cố Điền cũng là nơi nhóm lên, thổi lửa tình yêu đất nước, con người, góp phần hun đúc lên vị lãnh tụ vĩ đại, cả cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân.
Tháng 5 hoa sen nở, hương thơm từ làng Sen như lan tỏa khắp Việt Nam, lan cả vào lòng người yêu mến Bác. Không biết có phải từ hình ảnh của Bác, thước phim, câu chuyện về Bác thấm sâu trong lòng hay không, mà chỉ thoáng nghĩ đến thôi cũng thấy xúc động, rưng rưng như câu thơ “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.
Ánh mắt sáng mà hiền từ, giọng nói ấm áp, chân thành, khiêm nhường, giản dị của Bác có sức lan tỏa chạm đến trái tim nhân dân Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng là người sống giản dị, khiêm tốn, không thích phô trương và càng đặc biệt, không thích người khác tặng quà cáp nịnh bợ.
Cả đời Bác chỉ có duy nhất một ham muốn:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Cả cuộc đời, mọi hành động, việc làm của Bác đều vì lợi ích của đất nước, vì nhân dân. Mãi đến tháng 5 năm 1946 mọi người mới biết sinh nhật Bác.
Theo Hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của cụ Vũ Đình Huỳnh – nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“… Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
– Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà lại chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình?
Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.
Cũng ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp Cao uỷ Đác-giăng-li-ơ và ông Xanh-tơ-ni, cũng tại Bắc Bộ phủ. Đác-giăng-li-ơ từ Hải Phòng lên, Xanh-tơ-ni ở sẵn Hà Nội, hai người sẽ tới chào xã giao Hồ Chủ tịch. Thì ra Bác đã tính toán trước tất cả. Nếu họ tới mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì không ra sao, sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng. Nhưng nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì mình lép vế quá. Thế là ngày sinh nhật Bác được thông báo.
Đác-giăng-li-ơ và Xanh-tơ-ni tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ. Chắc hẳn ông đô đốc nghĩ rằng không khí hội hè ở Hà Nội mà ông thấy là giành cho ông. Ở Bắc Bộ phủ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường, có cả các cháu thiếu nhi vẫy cờ và hoa. Cuộc thăm viếng xã giao vô hình chung biến thành cuộc đến chúc mừng nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng…”.
Thì ra, để khéo léo dung hòa quan hệ đối ngoại, tạo cảm giác được đón tiếp nồng hậu với phái đoàn của Pháp mà không để mất thể diện trong khi tình hình đàm phán đang căng thẳng bế tắc, sinh nhật Bác được tổ chức thật không thể có gì hợp lý hơn.
Năm 1949, Bác làm thơ khéo léo từ chối việc tổ chức sinh nhật cá nhân:
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà.
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã.
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
Bác không thích lễ nghi rườm rà, phiền phức tốn kém thời gian tiền bạc, công sức của nước của dân. Với Bác các cháu thiếu nhi vào thăm Bác, một ít hoa quả, bánh kẹo, trồng cây kỉ niệm đủ làm Bác ấm lòng.
Bác luôn là tấm gương sáng cho tinh thần phục vụ đất nước, Bác không hề muốn có “những ông quan cách mạng”, mà cần những cán bộ như “đầy tớ của dân”, toàn tâm, toàn ý phục vụ tổ quốc, nhân dân.
Tháng 5 về bao loài hoa bừng nở, tươi thắm khắp trên dải đất Việt Nam xinh đẹp như mừng ngày sinh nhật Bác. Dù Bác đã đi xa nhưng lời dạy của Người vẫn còn mãi trong tâm trí bao thế hệ người Việt – những người quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do, quyết tâm đưa đất nước ngày thêm giàu mạnh.
Minh Tuấn