Chuyển tới nội dung

Tháng 1 là đáy lớn nhất của chu kỳ chứng khoán năm nay?

VN-Index đã cộng thêm 5 điểm trong phiên 13/1 sau khi đánh rơi 8 điểm vào ngày giao dịch đầu tuần này. Tuy nhiên thanh khoản thấp phản ánh tâm lý “nghỉ Tết sớm” của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 13/1, VN Index tăng 5,17 điểm (tương đương 0,42%) lên 1.235,65 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn thấp với tổng thanh khoản đạt gần 13.700 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE góp 12.120 tỷ đồng.

Về tính chu kỳ của thanh khoản, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, nếu nhìn lại, có thể thấy tháng 1 là thời gian rất quan trọng. Nếu tháng 1 tích cực thì cả năm cũng sẽ tích cực. Năm nay, tháng 1 khá xấu, với mức giảm từ đầu năm khoảng 4%, ông Đức cho hay.

Các sửa đổi tại Luật Chứng khoán có lợi cho trái chủ thông qua việc ngăn chặn vi phạm từ các tổ chức phát hành trái phiếu, hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao, áp dụng bắt buộc các công bố thông tin kịp thời và xếp hạng tín nhiệm để cải thiện kỷ luật thị trường.

“Theo thống kê của tôi, trong lịch sử 26 năm của chứng khoán Việt Nam, khi tháng 1 giảm điểm thì thường thị trường thường sẽ có một năm khó khăn. Mặc dù các báo cáo lạc quan nhưng cũng cần nhìn nhận vào thực tế rằng tháng 1 có tính chỉ báo rất cao.

Ngoài ra, còn một chỉ báo khác là tháng 2. Nếu tháng 1 và tháng 2 đều xấu thì thị trường rất tiêu cực. Còn nếu tháng 1 xấu và tháng 2 tích cực thì chúng ta sẽ có những sự lạc quan hơn. Ngoài ra, ở Việt Nam có hiệu ứng Tết. Trước Tết, thanh khoản rất thấp và do đó ý chí của nhà tạo lập thị trường rõ ràng hơn rất nhiều, theo ông Nguyễn Việt Đức.

Chuyên gia VPBankS cũng cho rằng sự kiện Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nhậm chức vào ngày 20/1 rất phù hợp với chu kỳ Tết ở Việt Nam, ngay trước kỳ nghỉ Tết. “Tôi rất kỳ vọng thị trường sẽ tạo đáy vào thời điểm đó”.

Nhìn nhận về chỉ báo tháng 1, các chuyên gia của Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng kể từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được thành lập tới nay, tháng 1 chiếm tới 14/24 năm tăng điểm, tương ứng xác suất 58,3%. Hiệu suất bình quân tháng đầu năm tăng 4,9%, cao nhất trong các tháng. Tháng 1 có 8 lần tăng trên 10%, nhiều nhất các tháng trong năm. Một trong những nguyên do khiến thị trường tháng 1 theo CTCK nhận định có động lực tăng, là kết quả kinh doanh theo BCTC năm của các doanh nghiệp được đưa ra.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng trong thời gian gần đây, hiệu ứng về kết quả kinh doanh, số liệu đẹp trong BCTC đã ít được thị trường phản ứng mạnh, hay nói cách khác là hiệu ứng đã được nhà đầu tư đón và phản ánh trước vào những nhịp tăng ngắn, thông tin chưa ra. Do đó khi số liệu được công bố chính, thị trường đã đi vào nhịp bão hòa hoặc chiết khấu.

Mặt khác, các thông tin có tính “đòn bẩy” tích cực cho giá cổ phiếu, đơn cử như nhóm ngân hàng được đón các ngân hàng chuyển giao bắt buộc và tăng room tín dụng, cũng chưa được nhà đầu tư có phản ứng mạnh.

Một chuyên gia lưu ý trong bối cảnh của tháng 1 năm nay, khá nhiều yếu tố làm thị trường và tâm lý nhà đầu tư vẫn hướng về những đợt chiết khấu ngắn có thể còn phía trước.

Nhìn xa hơn ra toàn quý, ông Nguyễn Việt Đức dự báo về quý I năm nay, khó có thể tăng được 8,49% như dữ liệu lịch sử. “Thông thường, tháng 1 thường là giai đoạn tích cực nhất, theo thống kê là tăng đến 5%. Tuy nhiên, đến nay tháng 1 chúng ta đã giảm 4% và đang ở xa vạch xuất phát khá nhiều. Cho nên, chúng ta chưa thể kỳ vọng về đích với mức tăng 8% mà kỳ vọng từ đáy đi lên từ 8 – 10% là đã tốt rồi.

Theo thống kê, hai tuần trước Tết thường rất quan trọng. Nếu đà giảm hiện nay chững lại vào tuần này và hồi phục tuần sau thì nhà đầu tư có thể mua trở lại. Khi đó, những câu chuyện xấu nhất mà chúng ta nghĩ đến đã được định giá vào thị trường rồi”, ông Đức nhấn mạnh.

Đối với câu chuyện Tổng thống đắc cử Donald Trump và chính sách thuế quan, dẫn các nhận định từ Goldman Sachs, Bank of America đánh giá Fed năm tới sẽ không hạ lãi suất lần nào nữa, thì sức ép về lạm phát đang lớn hơn vấn đề thương mại.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp chính sách thuế quan cho hàng nhập khẩu thấp hơn tuyên bố của ông Trump trước đó, theo chuyên gia đó lại là hiệu ứng hết sức tích cực. “Đó là lý do vì sao tôi chờ đợi đến tận những ngày cận Tết Nguyên đán. Khi tất cả đã chán nản, trở về nhà mua bánh chưng, cành đào thì chúng ta ở lại mua cổ phiếu và rất có thể đạt lợi nhuận tích cực, có “lì xì” cho năm mới”, ông Đức lạc quan.

Chuyên gia cũng nêu 8 lỗi mà nhà đầu tư không nên mắc phải trong chiến lược đầu tư năm 2025, trên cơ sở các bí quyết, chiến lược đầu tư SEPA -Specific Entry Point Analysis của huyền thoại phố Wall Mark Minervini:

Lỗi lầm số 1: Không chốt lãi khi có lãi đáng kể và sau đó mất đi phần lớn lãi.

Ông Nguyễn Việt Đức cho hay phần lớn chúng ta gặp phải lỗi lầm này. Theo ông Minervini, việc nhà đầu tư tìm siêu cổ phiếu rất khó, mỗi năm chỉ có vài siêu cổ phiếu. Năm vừa qua, nếu không có FPT, VGI hay CTR coi như không có siêu cổ phiếu. Ngoài ra, siêu cổ phiếu chỉ chiếm 3 – 4% thị trường. Ngoài ra, muốn có siêu cổ phiếu, trong một năm vẫn có lúc giảm 20 – 30%.

Thay vì tìm siêu cổ phiếu tăng 100%, tại sao chúng ta không chốt lời 10 lần những cổ phiếu tăng 10%. Đặc biệt ở Việt Nam, khi thị trường sideway (đi ngang), cổ phiếu nhiều khi tăng 10% rồi lại giảm thì chúng ta nên kỷ luật hơn, không chỉ trong việc cắt lỗ mà còn cả chốt lời ngay khi cổ phiếu chạm ngưỡng kháng cự.

“Tôi thấy rằng khi cổ phiếu chạm đường Bollinger Band 80 – 100 thì cổ phiếu giảm. Cho nên, vào năm ngoái, tôi đã thay đổi chiến lược là mua khi cổ phiếu ở biên giữa đường Bollinger Band (MA 50 – MA 100) và bán khi chạm đến biên trên, chốt lời khoảng 10%”, ông Đức “bật mí”.

Lỗi lầm số 2: Không kiên quyết cắt lỗ khi lỗ còn ở mức thấp (dưới 8%).

Đừng để khoản lỗ bé thành khoản lỗ lớn. Khi không bán toàn bộ danh mục cắt lỗ ở dưới 8% thì cũng phải bán ra ít nhất 50% danh mục của mình.

Lỗi lầm số 3: Mua cổ phiếu khi giá đã vượt xa điểm mua tối ưu.

Lỗi lầm số 4: Không bảo vệ điểm hòa vốn khi đã có lãi.

Lỗi lầm số 5: Dũng cảm nắm giữ tiếp sau khi cổ phiếu giảm mạnh.

Lỗi lầm số 6: Không dũng cảm nắm giữ tiếp khi thị trường tăng nóng.

Lỗi lầm số 7: Yêu cổ phiếu và tin vào câu chuyện kể cả khi giá đã giảm.

Lỗi lầm số 8: Trung bình giá khi cổ phiếu giảm.

Những cổ phiếu thường tăng trong tháng đầu tiên thì sẽ tăng trong quý đầu tiên. Đã tăng trong quý thì khả năng cao sẽ trở thành cổ phiếu chiến thắng. Cho nên nếu may mắn tìm cổ phiếu tốt trong đầu năm thì đừng bán ra và nếu có lỡ bán ra rồi thì phải theo dõi để mua lại trong tương lai, chuyên gia nhấn mạnh.

An Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved