Theo nhiều chuyên gia, khi NHNN thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, thì phải hết sức thận trọng trong bối cảnh chỉ số CPI đang có xu hướng gia tăng, dù giá xăng dầu giảm.
Nhiều ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang hứng chịu tác động trực tiếp từ dịch cúm COVID-19, như du lịch, xuất nhập khẩu, hàng không… Mặc dù chưa thể đưa ra đánh giá chính xác dịch bệnh này sẽ gây ảnh hưởng ra sao tới nền kinh tế nước ta, do dịch cúm này còn diễn biến phức tạp, nhưng chắc chắn sẽ khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan điều hành nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, từ đó duy trì đà tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Trên thực tế, NHNN đã có sớm động thái được xem là nới lỏng tiền tệ như Văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, một số ngân hàng cũng đã vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hai do dịch bệnh, như VPBank đã công bố giảm từ 1% – 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm thuộc những lĩnh vực như vận tải, du lịch, nhà hàng ăn uống; thủy sản; SHB cũng dành 6.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ; TPBank cũng triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và mức lãi suất giảm từ 1% – 1,5% so với biểu lãi suất hiện hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ ngày 12/2 đến hết 30/6…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng với dịch cúm COVID-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, việc NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết. Đặc biệt, việc nới lỏng tiền tệ cần tập trung vào những ngành chịu thiệt hại nặng nề từ dịch COVID- 19 như ngành nông nghiệp, ngành xuất nhập khẩu, du lịch…
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, trong bối cảnh lạm phát Việt Nam đang ở mức cao, dư địa tài khóa gần như không có và nhu cầu tiêu dùng có thể tiếp tục suy giảm vì dịch bệnh, nếu nới lỏng tiền tệ bằng cách mở rộng cung tiền, nới tăng trưởng tín dụng, thì không những có nguy cơ đẩy áp lực lạm phát tăng cao, mà còn có thể khiến dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư rủi ro, như chứng khoán, bất động sản…, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô ĐH Kinh tế Quốc dân, Việt Nam vốn đã và đang thực hiện nới lỏng tiền tệ liên tục trong nhiều năm gần đây. Điều này đã làm cho tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng lên mức khoảng 150%- mức rất cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, không nên đặt thêm gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho chính sách tiền tệ. NHNN nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai. Những hỗ trợ về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những doanh nghiệp chịu tác động của bệnh dịch theo hướng giảm lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ…
“Bài học nới lỏng tiền tệ năm 2009 – 2010 nhằm đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn còn nguyên giá trị khi những năm sau đó Việt Nam phải trải qua những đợt lạm phát hai con số trong khi không tránh khỏi đình trệ kinh tế trong nhiều năm. Do đó, NHNN cần rất thận trọng với áp lực lạm phát khi nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education cũng cho rằng, NHNN không nên tăng cung tiền, mở rộng tín dụng quá mức để tránh áp lực lạm phát khi dịch bệnh được khống chế. Việc hỗ trợ từ phía ngân hàng chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất như du lịch, nông nghiệp… “Chính sách tiền tệ cần có đối tượng, mục tiêu rõ ràng và được kiểm soát chặt thì mới ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Thành Long khuyến nghị.