Theo các chuyên gia trên thế giới, vẫn chưa có cơ sở chắc chắn để cho rằng virus Corona có thể lây lan trong thời gian bệnh nhân ủ bệnh.
Theo CNN, báo viết được đăng tải trên Tuần báo Y học New England cảnh báo virus Corona (2019 – nCoV) có thể lây lan trước khi xuất hiện các triệu chứng là chưa chính xác. Cụ thể, Tuần báo Y học New England (NEJM) ngày 30/1 đưa tin 4 người Đức nhiễm nCoV sau khi họp với một doanh nhân Trung Quốc từ Thượng Hải sang. Vị nữ doanh nhân này tiếp xúc với họ ngày 20-21/1, sau đó họ bị ốm. Nữ doanh nhân phát bệnh trên chuyến bay trở về Trung Quốc.
Bài viết khi đó cũng cho biết, người không có triệu chứng có thể là nguồn lây nhiễm tiềm tàng của nCoV. Các chuyên gia phải đánh giá lại cơ chế lây truyền của đợt bùng phát dịch viêm phổi cấp hiện nay. Điều này giúp cũng tương đồng với nhận định của một số chuyên gia Trung Quốc khi đó về vấn đề người bệnh không có triệu chứng có thể phát tán nCoV dù không có bằng chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, sau cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân người Thượng Hải trong bài viết nói trên, các quan chức y tế Đức cho biết bài viết không chính xác. Họ cho biết, người phụ nữ Trung Quốc có thể đã có các triệu chứng ban đầu bao gồm đau lưng và đã bị ốm khi đến Đức. Sau đó, bà đã uống thuốc hạ sốt và tiếp xúc với 4 người Đức nhiễm nCocV.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các trường hợp nhiễm bệnh khác từ các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra rằng nhiều người được cho là không có triệu chứng bệnh trên thực tế vẫn có các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Do vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các thông tin cho rằng virus Corona có thể lây lan khi không có triệu chứng là chưa chính xác và vẫn cần các nghiên cứu chi tiết hơn để xác định chính xác mức độ lây lan của loại virus này.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy rằng, các triệu chứng ban đầu thường là những dấu hiệu phổ biến của bệnh cúm thông thường khiến những người bị nhiễm bệnh và nhiều bác sĩ bỏ qua khả năng bệnh nhân đã bị nhiễm virus Corona. Những ca bệnh “ẩn” như vậy có thể khiến tình hình dịch viêm phổi do virus corona thêm phức tạp. Hiện nay các chuyên gia cũng bắt đầu chú ý nhiều tới những ca bệnh có biểu hiện nhẹ hơn.
Chính vì vậy, Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan Harvard nhận định, việc nắm rõ các biểu hiện của bệnh cúm do virus Corona gây ra là điều hết sức quan trọng, thậm chí là từ những dấu hiệu nhỏ nhất. Đồng thời, các thông tin liên quan đến cơ chế lây truyền của virus Corona cần được nghiên cứu kĩ càng trước khi đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời ông cũng cảnh báo người dân không nên vội vã tin vào các thông tin không phải do các tổ chức y tế uy tín công bố.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho biết, virus Corona có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Việc ho, hắt hơi, ôm ấp, bắt tay, nói chuyện trực tiếp có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm, tuỳ thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus. Bên cạnh đó, virus vẫn có thể lây lan từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Dấu hiệu sớm và dễ nhận biết nhất là các triệu chứng viêm đường hô hấp trên 3-4 ngày: Đau cổ, rát họng, hắt hơi… Khi virus xâm nhập vào khí phế quản-phế nang sẽ gây viêm phổi (mất 5 đến 6 ngày). Các triệu chứng nặng hơn sẽ xuất hiện vào lúc này như sốt cao, ho, đau tức ngực, khó thở. Khi khởi phát, các triệu chứng lâm sàng sẽ không giống như cảm cúm thông thường nữa. Mức độ tổn thương đường hô hấp nặng hơn, tình trạng khó thở tăng lên, suy hô hấp.
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt vẫn cần tiếp tục được thực hiện nghiêm túc để ngăn chặn sự bùng phát trên diện rộng. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn, tránh những nơi tụ tập đông người, sử dụng khẩu trang y tế khi có dấu hiệu ho, hắt hơi và đến bệnh viện kiểm tra khi có những dấu hiệu bệnh.