Theo chuyên gia, việc tăng giá điện là khá quan ngại, nếu cơ quan quản lý không đưa ra chính sách phù hợp, thì có thể tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến các chính sách khác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA để bảo đảm giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực…
Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người dân cũng như nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt là tác động đến chỉ số lạm phát? Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho biết, chúng ta cần hiểu đúng bản chất của lạm phát, nguyên nhân dẫn đến lạm phát bao gồm cả 2 phía cung và cầu.
Trong khi lạm phát thực tế hơn một năm qua trên toàn thế giới đến từ yếu tố đầu vào, ảnh hưởng bởi giá dầu tăng cao, chiến tranh Nga – Ukraine, thì Việt Nam còn chịu tác động bởi nhập khẩu lạm phát từ Mỹ, châu Âu, cũng như sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm ngắt quãng nguồn cung, khiến chi phí đầu vào tăng mạnh. Như vậy, giá điện tăng cũng sẽ là một trong những tác động rất quan trọng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Một nghiên cứu gần đây của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, nếu giá điện ở Việt Nam tăng 10% sẽ tác động đến chỉ số CPI tăng 0,33%. Con số này đã xuất hiện trong lần tăng giá điện bán lẻ trước đây vào năm 2019. Với bối cảnh hiện nay, nghiên cứu đó cũng là một điểm để chúng ta tham chiếu, đánh giá xem mức độ tác động thế nào từ việc tăng giá điện và từ đó Chính phủ có quyết sách quan trọng trong việc điều hành.
Đáng chú ý, giá điện tăng không chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sử dụng điện nhiều, mà ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của nền kinh tế. Vị chuyên gia cũng phân tích, khi nhìn vào câu chuyện giá điện tăng thì những ngành tiêu thụ điện lớn nhất sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề là hiện nay chúng ta chưa biết mức độ tăng thế nào, tăng theo gói hay cho các đối tượng sử dụng điện khác nhau, nên những ngành trực tiếp sử dụng nhiều điện sẽ chịu áp lực đầu tiên.
Đơn cử như ngành thép, các lò cao của ngành này sử dụng rất nhiều điện và trong cơ cấu chi phí của ngành điện cũng khá tương đồng với ngành thép, khi đó các chi phí đầu vào sản xuất sẽ tăng mạnh.
Trong khi mục tiêu lạm phát năm 2023 mà Quốc hội đề ra là 4,5% đã tính đến các yếu tố bao gồm cả câu chuyện tăng giá điện. Nhưng Chính phủ đã thực sự tính đến các ảnh hưởng sâu rộng của tăng chi phí đầu vào, khi lạm phát suốt năm vừa qua chủ yếu đến từ chi phí đẩy là vấn đề cần lưu ý.
“Với quan điểm cá nhân, tôi cũng khá quan ngại về việc giá điện tăng, nếu cơ quan quản lý không đưa ra chính sách tăng phù hợp, thì có thể tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến tất cả các chính sách khác, đặc biệt chúng ta rất quan tâm tới chính sách tiền tệ và lãi suất.
Vừa qua sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và lãi suất đã được thực hiện, nhưng nếu chi phí đẩy quá lớn, chúng ta cần suy nghĩ một cách kỹ lưỡng. Theo tôi, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ cần phải cân nhắc rất kỹ về thời điểm và gói tăng giá điện, trong giá điện bán lẻ có giá điện lũy tiến. Thay vì việc tăng tuyệt đối tất cả các bậc trong lũy tiến, thì có thể cân nhắc với từng thành phần trong nền kinh tế, bao gồm cả cá nhân, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp ở các khu vực ưu đãi thuế quan, hay doanh nghiệp khu công nghệ cao, sản xuất…”, ông Long nói.
Thêm một vấn đề nữa là, năm nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang ưu tiên các chính sách để hỗ trợ tăng trưởng nhiều hơn. Hay nói cách khác, chúng ta không để tăng trưởng kinh tế sụt giảm quá sâu. Điển hình là thời gian gần đây đã có hai đợt công bố giảm lãi suất điều hành từ NHNN, cơ sở để giảm lãi suất điều hành chính là kiểm soát tốt CPI và ổn định tỷ giá. Vậy nếu tăng giá điện gây ra ảnh hưởng đến lạm phát và các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, sẽ tác động đáng kể đến khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam. Chưa kể, chi phí đầu vào lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng và khả năng duy trì lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Ngoài chuyện giá điện, chúng ta còn có rất nhiều chi phí khác như giá bất động sản, giá thuê đất, giá thuê khu công nghiệp,… do đó, giá điện tăng không chỉ trực tiếp ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sử dụng điện, mà còn ảnh hưởng đến chi phí nhân công vì nó làm tăng giá ở tất cả các lĩnh vực khác.
Trong suốt những năm qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam đều công bố những con số lỗ và sẽ phải tăng giá điện. Với 2 năm Covid-19, các hoạt động sản xuất đều giảm sút thì việc sử dụng điện giảm đi cũng là một yếu tố khiến doanh thu của tập đoàn giảm. Hiện tại, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện cũng nằm trong kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội giao đến năm 2023 này. Tuy nhiên, việc cân đối để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay cũng là ván đề cấp thiết.
Diễm Ngọc