Một phân tích về cấu kiện Iphone cho thấy khả năng vươn lên đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Khi các công ty công nghệ Trung Quốc hụt hơi do sự ngăn chặn từ Mỹ, hầu hết mọi người đều cho rằng, sự hạn chế lớn nhất của cường quốc châu Á hiện nay chính là công nghệ nguồn. Song, nếu điểm lại quá trình cách tân công nghệ, Bắc Kinh xếp số 2, không ai là số 1.
Cách đây 16 năm, chiếc Iphone đầu tiên bắt đầu được sản xuất ở Trung Quốc, đó là một tổ hợp cấu kiện phần cứng, phần mềm tinh vi và phức tạp nhất trong nhóm mặt hàng phổ biến.
Vào thời điểm đó, các công ty Trung Quốc không thể sản xuất hầu hết các linh kiện bên trong Iphone mà phải nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản và Mỹ. Đóng góp tổng thể của Trung Quốc cho các thiết bị chỉ ở mức lao động lắp ráp các bộ phận này tại các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến – chiếm chưa đến 4% giá trị gia tăng.
Nhưng không đầy 1 thập kỷ sau, dòng sản phẩm Iphone X đánh dấu bước trưởng thành ngoạn mục của mạng lưới chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Họ có thể chế tạo các tổ hợp nguồn, âm thanh, bộ nạp,… ưu việt hơn cả các công ty châu Âu.
Đến sản phẩm mới nhất của “táo khuyết” Iphone 14, Trung Quốc đã làm được một nửa, tiếp tục làm chủ một số công nghệ lõi như chip nhớ Yangtze Memory Technologies, bộ nhớ 3D TLC,…
Con số sau đây đã chứng minh thuyết phục: Năm 2012, Apple có 156 công ty cung ứng, trong đó chỉ có 8 công ty Trung Quốc. Đến năm 2020, hãng công nghệ Mỹ mở rộng lên 200 nhà cung ứng, trong đó 96 công ty thuộc Trung Quốc.
Mỹ bắt đầu lo sợ bị Trung Quốc vượt qua, cho nên cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động chiến tranh thương mại – công nghệ; đương kim Tổng thống Joe Biden đã áp đặt nhiều hạn chế mới đối với việc bán công nghệ chip tiên tiến của phương Tây cho các công ty Trung Quốc; Đồng thời củng cố công nghệ của Mỹ thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 280 tỷ USD.
Hầu hết chúng ta không thể biết các công ty công nghệ làm thế giới thay đổi như thế nào, đặc biệt doanh nghiệp Trung Quốc đi lên từ số 0, họ không “đao to búa lớn” – nên các học giả phương Tây gọi hiện tượng này là “cuộc cách mạng công nghệ âm thầm”.
Nhiều công ty Trung Quốc dính tai tiếng vi phạm bản quyền, ăn cắp công nghệ. Tuy nhiên trên thế giới chỉ có Trung Quốc có thể làm được. Chiến lược này dựa trên mua bán và sáp nhập, thâu tóm cổ phần; hệ thống luật pháp đầu tư mạnh mẽ, luôn đi kèm với điều kiện “chuyển giao công nghệ” để được làm ăn tại thị trường béo bở nhất hành tinh.
Chiến lược trên được thực hiện thông qua mạng lưới “tình báo kinh tế”, dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, như du học sinh, nghiên cứu viên, ngoại giao… Tất nhiên, chiến lược đó không thể không nhờ vai trò hùng hậu từ đội ngũ doanh nhân, tỷ phú Hoa kiều đang làm chủ nhiều đế chế kinh tế “siêu lớn”.
Đây không chỉ đơn thuần là kết quả của việc sao chép bí quyết công nghệ từ các công ty phương Tây, mà nó đã được thúc đẩy bởi những cải tiến trong khả năng công nghiệp của chính Trung Quốc – nguồn nội lực hiếm thấy trong thế giới đương đại.
Con đường Trung Quốc không giống với phương Tây trong các cuộc cách mạng công nghệ luôn được giới thiệu tỉ mỉ từng thành tựu, bằng các giải thưởng danh giá, bảng xếp hạng uy tín.
Nhà phân tích công nghệ Dan Wang tại Công ty nghiên cứu vĩ mô Gavekal Dragonomics cho rằng: “Nếu Washington nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Bắc Kinh về công nghệ, thì họ sẽ cần tập trung vào nhiều thứ hơn là khoa học tiên phong; đồng thời cũng phải học cách khai thác lực lượng lao động của mình theo cách mà Trung Quốc đã làm”.
Trương Khắc Trà