Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định, hồ sơ dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Sáng 4/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Tại Phiên họp, các đại biểu đã thẩm tra dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, sau khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp, quản lý hóa chất, an toàn hóa chất.
Sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần có sự bổ sung, điều chỉnh để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản suất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 556/TTr-CP ngày 16/10/2023 gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An cho hay, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Ông Nguyễn Văn An đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Đối với chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu để phát triển ngành hóa chất; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng những loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; bổ sung chính sách cụ thể để thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, đề nghị làm rõ chính sách nào do Nhà nước ưu đãi và do Nhà nước đầu tư.
Về phát triển công nghiệp hóa chất (Chương II), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 6 Điều là chưa đầy đủ để phát triển ngành công nghiệp hóa chất nên Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung về: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thương mại và thị trường; nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ; nhân lực khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về quản lý hoạt động hóa chất, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người…
Liên quan đến quản lý hóa chất, đại biểu Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nghệ An nêu, trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Ban soạn thảo cần có giải thích rõ hơn về các loại chất độc, hóa chất nguy hiểm, hóa chất thuộc danh mục đặc biệt, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt…
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần chú trọng hơn đến việc quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, đơn vị ở địa phương nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong việc mua bán, sử dụng hóa chất độc hại.
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển cần 3 yếu tố chính: Chính sách đầu tư có chọn lọc, tạo thành mũi nhọn và hợp lý cho ngành công nghiệp hóa chất, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ.
Trong đó, trong dự thảo Luật phải nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học và công nghệ. Ngoài ra, cần có thêm những điều khoản để doanh nghiệp phát triển khi đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp hóa chất với những nhiệm vụ, chức năng đúng theo quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Ủy ban, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. “Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ các điều kiện để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8” – ông Lê Quang Huy khẳng định.
Để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại phiên họp; rà soát kỹ lưỡng các điều khoản, nội dung để hoàn thiện các báo cáo, gửi Ủy ban trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.