Chuyển tới nội dung

Thăm làng nghề truyền thống “sản xuất gió” Chàng Sơn xứ Đoài

Ngược lên xứ Đoài về với đất “bách nghệ” Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), bạn sẽ gặp một làng nghề nổi tiếng với tên gọi ví von của dân địa phương “làng nghề tạo ra gió”. Qua đôi bàn tay khéo léo của người Chàng Sơn, những chiếc quạt giấy giản đơn đã được nâng tầm trở thành những món đồ trang trí, quà biếu hay dụng cụ nghi lễ với thiết kế rất kỳ công.

Theo các cụ cao niên của làng kể lại, nghề làm quạt của người Chàng Sơn đã có từ hàng trăm năm. Sử sách cũng ghi chép rằng, thời phong kiến, người làm quạt giỏi của làng Chàng đã được phong chức Bá Hộ (tương đương với Hào Lý – thuộc người giàu có).

Vào thế kỷ 19, khi Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ, quạt Chàng Sơn đã nức tiếng trong và ngoài nước, vượt đại dương sang Paris xa xôi triển lãm. Ngày nay khi Hà Nội đã nghìn năm tuổi, những chiếc quạt Chàng Sơn với hình ảnh hai con rồng chầu nguyệt vẫn được bạn bè thế giới biết đến như một biểu tượng văn hóa mang đậm chất làng quê Việt Nam.

Cũng theo các nghệ nhân làm quạt lâu năm trong làng, chúng tôi được biết, để có một chiếc quạt như ý, các công đoạn chế tạo phải thật cẩn thận và tỉ mỉ. Nguyên liệu là thứ quan trọng, bởi vậy người nghệ nhân phải chọn loại tre tốt nhất.

chang-son-2

Qua đôi bàn tay khéo léo của người Chàng Sơn, những chiếc quạt giấy giản đơn đã được nâng tầm trở thành những món đồ trang trí, quà biếu hay dụng cụ nghi lễ …

chang-son-4

Sản phẩm quạt Chàng Sơn còn chen chân vào những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản… với mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại đa dạng.

Tre tốt là loạt tre dẻo, không mối mọt, cây tre được cưa ra thành từng đoạn, được ngâm nước ít nhất 3 tháng mới đủ tiêu chuẩn. Cùng với đó, giấy phất quạt phải là loại giấy dó, giấy điệp của làng Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh.

Nghề làm quạt Chàng Sơn không thể vội vàng. Các công đoạn làm quạt phải được tiến hành theo trình tự nhất định mới cho ra sản phẩm đồng đều và chất lượng đúng chuẩn. Đặc biệt, cái khó nhất khi làm quạt là việc vẽ tranh phải căn chuẩn các nếp gấp ở mỗi nan quạt, tranh khi hoàn thiện không để bị nếp gấp cắt người.

Trước đây, tất cả các khâu đều được làm bằng tay, giờ đã có máy móc hỗ trợ nhiều công đoạn như cưa tre, chẻ nan.. nên việc làm quạt nhanh và đỡ vất vả hơn. Tuy vậy, với những chiếc quạt được trưng bày tại các hội chợ hay dùng trong các dịp lễ hội vẫn được những nghệ nhân lâu năm Chàng Sơn làm thủ công tất cả các công đọạn.

Thông thường, những chiếc quạt giấy đơn giản tại làng Chàng Sơn có giá khoảng 5000 đồng/chiếc. Còn quạt biểu diễn kiểu cách, điệu đà hơn có riềm có giá 20.000 đồng/chiếc. Đối với những chiếc quạt khổ lớn, quạt thư pháp, quạt trang trí, quạt đem đi triển lãm có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Đặc biệt, những nghệ nhân làm ra quạt thư pháp tại Chàng Sơn không nhiều, bởi công đoạn vẽ quạt cần đôi bàn tay tài hoa, cẩn thận và con mắt tinh tế, sáng tạo.

chang-son-3

Quạt Chàng Sơn đang dần biến tấu sang nhiều chất liệu khác đẹp và bền phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội.

Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm nghề truyền thống tại làng Chàng Sơn, chúng tôi rất ấn tượng với chia sẻ của nghệ nhân Phí Quang Bộ, người đã có thâm niên nhiều năm tâm huyết với quạt nghệ thuật: “Làm quạt cũng như sáng tác một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ nhân cũng là người nghệ sĩ nên phải làm thế nào để sản phẩm có hồn mình trong đó. Một chiếc quạt nghệ thuật ra đời, người nghệ nhân sung sướng nhất là thể hiện được cái tâm, lòng yêu nghề và sự khéo léo”…

Không thể phủ nhận, nghề làm quạt giấy Chàng Sơn đã giải quyết công ăn việc làm cho một số hộ gia đình tại nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó, sản phẩm quạt Chàng Sơn còn chen chân vào những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản… với mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại đa dạng.

Khi cuộc sống ngày càng tiện nghi và hiện đại, hình ảnh người dân cầm quạt phe phẩy trước hiên nhà không còn xuất hiện khắp nơi như nhiều năm về trước. Dẫu vậy, quạt giấy Chàng Sơn vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc, sẽ không có một thiết bị hiện đại nào có khả năng thay thế được giá trị hoài cổ và thẩm mỹ trăm năm của những chiếc quạt cầm tay. Quạt Chàng Sơn đang dần biến tấu sang nhiều chất liệu khác đẹp và bền phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội. Song quạt giấy vẫn mãi là cái nôi của người dân Chàng Sơn. Những chiếc quạt thủ công sáng tạo, tinh tế sẽ mãi phát triển với người dân mảnh đất bình dị này.

 

Huyền Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved