Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nông nghiệp niêm yết (Nguồn: Công ty Chứng khoán Rồng Việt)

Trong năm 2019, nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã giảm mạnh theo diễn biến của chỉ số Vn-Index. Khép lại phiên giao dịch ngày 31/12/2019, nhóm cổ phiếu này như DPM (Đạm Phú Mỹ) chỉ còn 12.950 đồng/cổ phiếu, (DCM) Đạm Cà Mau chỉ còn 6.500 đồng/cổ phiếu, LAS (Phân Supe và Hoá chât Lâm Thao) chỉ còn 6.900 đồng/cổ phiếu, LTG (Tập đoàn Lộc Trời) cũng chỉ còn 21.000đ/cổ phiếu…

Dù báo cáo tài chính quý 4/2019 chưa công bố nhưng ngay quý 3/2019, các ông lớn trong ngành phân bón đã báo cáo lỗ đậm và giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã xuống dưới mệnh giá khi chào sàn.

Ông Trần Hà Xuân Vũ- Chuyên viên phân tích mảng nông nghiêp phân bón của Công ty Chứng Khoán Rồng Việt cho rằng, năm 2019 chứng kiến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, sự tăng trưởng chậm hơn dự kiến của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nhu cầu về hàng nông sản mà Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu lớn. Thứ hai, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở cả hai quốc gia này. Trong khi đây là hai thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Thứ ba, thời tiết nắng nóng đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành…

Ông Vũ nhận định, năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên kế hoạch cải thiện năng suất ngành nông nghiệp thông qua việc tái cấu trúc,chuyển hướng sang các sản phẩm chất lượng cao, áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Tuy nhiên, những khó khăn trong năm 2019 sẽ kéo dài sang năm 2020.

Do vậy, năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và thị trường phân bón nói riêng. Những khó khăn của ngành nông nghiệp khiến sản lượng tiêu thụ các công ty phân bón khó có sự bứt phá mạnh mẽ.

Trong bối cảnh các nước ngày càng siết chặt quy định về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, ngành nông nghiệp trồng trọt cần phải tìm một hướng đi mới và nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp đáp ứng được mọi vấn đề hiện tại. Cùng với xu hướng nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng cũng phải chuyển đổi mình khi toàn ngành đang rơi vào tình trạng bão hòa vì mức độ sử dụng phân bón, chủ yếu là phân hóa học, trên mỗi hecta đất tại Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới (373 tấn/ha so với thế giới 120 tấn/ha). Bên cạnh đó, tổng nhu cầu phân bón Việt Nam chỉ xoay quanh mức 11 triệu tấn – 11,5 triệu tấn trong vài năm trở lại đây.

Với động thái khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ, nhu cầu phân bón hóa học sẽ ngày càng sụt giảm khiến ngành phân bón phải chuyển hướng phát triển nhiều hơn cho phân bón hữu cơ khi mà nhu cầu về các sản phẩm này sẽ tăng lên trong tương lai.

“Các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, nhất là phân bón, nếu không đáp ứng yêu cầu này trong năm 2020, sẽ là những thách thức không nhỏ. Đó là phải phá sản hay thích ứng và tiếp tục đầu tư mới, nhưng đây là bài toán không phải doanh nghiệp nào cũng giải được”, ông Vũ nhấn mạnh.