Hàng loạt thách thức mới có thể làm suy yếu liên minh rường cột ở châu Á – Thái Bình Dương, khiến Tổng thống Mỹ phải tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tuần này.
Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại trại David. Đây được coi là Hội nghị Thượng đỉnh nhóm đồng minh có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cấu trúc trật tự châu Á – Thái Bình Dương.
Các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và những lo ngại sâu sắc về khả năng và ý định quân sự của Trung Quốc đã thúc đẩy ba đồng minh không ngừng thúc đẩy liên kết với nhau trong thời gian gần đây.
Liên minh Mỹ – Nhật – Hàn đã được hậu thuẫn bởi một người đứng đầu Nhà trắng theo chủ nghĩa đa phương, phản ánh cách tiếp cận rộng lớn hơn của ông Joe Biden đối với cạnh tranh địa chiến lược.
Ông Yoon Suk-yeol là người táo bạo với tham vọng chính sách đối ngoại vượt ra khỏi vùng Đông Bắc Á, củng cố sức mạnh quốc gia thông qua liên minh; đồng thời cân bằng đối trọng với Trung Quốc.
Nhiều đời Thủ tướng Nhật Bản dù thuộc đảng phái chính trị nào đều tiếp nối quan điểm ngoại giao hướng Tây, chọn Washington là đồng minh toàn diện, chiến lược để phòng trừ các mối nguy trong khu vực.
Cũng vì nhiều mối nguy mới xuất hiện trong khu vực như chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà Tokyo và Seoul gác lại quá khứ đau buồn của họ. Bước ngoặt là Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi đã tổ chức một cuộc gặp lịch sử tại Tokyo. Người Nhật thừa nhận sự chiếm đóng thuộc địa của họ đối với Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945 và đưa ra lời xin lỗi chính thức.
Bước đi này đã xoa dịu căng thẳng và giúp Washington tạo tiền đề để thúc đẩy quan hệ ba bên, cuối cùng là thể chế hóa các cuộc họp đặc biệt trong khuôn khổ nhóm Giám sát điều phối ba bên vào năm 1999.
Mối quan hệ tay ba Mỹ -Nhật Bản – Hàn Quốc rất giàu sức mạnh, vì nó được xây dựng xung quanh hai đồng minh sở hữu nền tảng công nghệ tiên tiến, khả năng phòng thủ đáng gờm và cùng có khoảng 100 căn cứ quân sự thường trực với 80.000 binh lính Mỹ.
Và ngày nay liên minh bộ tam còn được thôi thúc bởi sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động trên biển, vấn đề thống nhất Đài Loan, tranh chấp biển đảo với các quốc gia láng giềng.
Mối quan hệ “tam mã” vẫn sẽ được người Mỹ có trách nhiệm duy trì và vun đắp vì nó đại diện cho lợi ích lâu dài của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, làm đối trọng và phần nào đó là tạo thành vòng vây phong tỏa với Trung Quốc.
Dẫu vậy, bản thân quan hệ hai nước Nhật, Hàn không phải khi nào cũng êm thấm. Các đảng phái đối lập không ngừng sử dụng “vũ khí” lịch sử để khơi lại mâu thuẫn chia rẽ.
Tại Mỹ, cả chính quyền của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhìn chung đều ủng hộ quan hệ ba bên. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump bác bỏ các liên minh và cách tiếp cận tương đối thoải mái của chính quyền ông đối với mối quan hệ đang xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không tạo niềm tin rằng một Tổng thống Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ hợp tác ba bên ở mức độ tương tự như người đương nhiệm Joe Biden. Do đó, nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, thì sẽ có nhiều thách thức với liên minh này.
Trương Khắc Trà